Giáng Hương chen vào, cúi nhìn sát tận từng đường dây của bộ phận
bị làm hỏng. Trời về chiều. Mắt Giáng Hương đã tỉnh nhưng phải tận dụng
sức mắt mới nhận ra các đầu dây. Giáng Hương ngửng lên, nắm tay đập
mạnh vào nắp đầu máy:
- Thật là một cuộc phá hoại!
Tới giờ Giáng Hương mới để ý đến cảnh vật bên đường. Mây xám và
sương đã gần nhòa lẫn ở phía trước. Mặt trời sắp khuất hẳn. Chỗ xe dừng
lại đúng ở chân dốc lên cầu Tiền Trung. Dòng sông và đôi bờ lặng ngắt.
Những nhịp cầu đen sạm như những chân nhện khổng lồ đứng chết giữa
không trung. Gió sông, gió đồng rít lên từng cơn. Mấy bóng người co ro đi
sang phía bên kia cầu rồi lần ra ngoài đường đê cùng với những vờn khói
trên dãy nhà ở vệ đường, là những chấm những nét hoạt động duy nhất của
cảnh tượng mịt mùng chung quanh Giáng Hương.
Giáng Hương lạnh toát người.
Nếu như có linh giác thì phải chăng sự khó chịu váng vất trong người
Giáng Hương mấy hôm nay là những báo hiệu của sự rủi ro này? Và nếu
như mẹ Giáng Hương đêm nay mất mà Giáng Hương không được gặp được
nói với mẹ lần sau hết thì Giáng Hương còn chờ gì nữa mà chả vằng lên,
tung xé đi tất cả những cái bó buộc chịu đựng bấy lâu?!
Chợt ở trong nhà gác cầu lừ lừ đi ra một ngọn đèn xách chao đi chao
lại với hai bên mặt lồng kính xanh đỏ lù mù. Không thấy mặt người gác
cầu. Chỉ thấy cái mũ lính chào mào cũ tùm hụp như cái mũ mấn ở trên đầu
người nọ và cái thân hình còm nhom trong bộ quần áo xám xỉn. Người gác
cầu hạ cái ngáng sắt xuống làm loảng xoảng những mành dây thép. Rồi
tiếng kèn đồng rúc toe lên.
Giáng Hương gai hết cả da thịt.