vẫn phải có u em ngồi ở đằng sau để dỗ, để nựng, chùi mũi, bế xuống đặt
lên khi đi đái, hay khi không muốn viết, muốn đọc thì díp mắt lại ngủ, hoặc
đòi ra sân chơi cưỡi vịt bông, chó bông. Nhưng cu Chú thế cũng là tấn tới,
vào khuôn phép, chịu khó lắm. Mợ Tú một hôm đã khoe với khách rằng
con mình được người kèm như cậu giáo Thanh thì nó chỉ lên tám là vào học
trường con Tây.
Năm nay cu Chú đã lên sáu. Còn bốn tháng nữa mới đầy năm!
Từ cái đồng hồ to như cái tủ đứng chạm trổ thếp vàng bỗng nổi lên
như dàn nhạc rồi mới điểm ba tiếng. Ba giờ rồi. Thanh lại nhìn vào nhà
trong. Lần này cu Chú ra thật chứ không phải là màn gió động. Nhưng
người dắt cu Chú hôm nay không phải là vú em còn trẻ mọi khi vẫn hầu
nhà khách trên mà là một u già đầu trọc, béo đẫy. Thanh sửng sốt, đứng hẳn
lên để nhìn cho thật mắt. Đúng là bà già người vùng bể cùng đi chuyến tàu
ở Nam Định ra với gia đình Thanh, gia đình ông Dâng. Bà có người con
trai làm phu đổ thùng cho sở thầu vệ sinh Đờvanhxy, đêm đêm vẫn kéo xe
đi qua đầu ngõ ngoài. Dạo năm ngoái, mẹ con Thanh đến vay tiền nhưng
không được, lúc giở về theo bá Chính xuống bếp thì bà đã đi tìm cái thúng
rách cho mẹ Thanh đựng gạo của nhà bếp vét kho cho, và khi mẹ Thanh
sắp cất thúng lên đầu, bá Chính còn bảo bà tìm cái gáo dừa để xin cho mẹ
Thanh gáo mắm tôm ruốc.
Giờ bà già không vấn khăn vải nâu bạc mà cũng khăn xa tanh như vú
em nhà khách. Chiếc áo cánh nâu dày như mo nang và chiếc áo bông cộc
rách lòi cả bông ở khuỷu tay, nách, cổ, ngắn cũn cỡn, mà bà mặc mọi khi,
nay thay bằng chiếc áo phin tuy vá ở vai nhưng vẫn trắng nõn và chiếc áo
gilê xa tanh hoa đen. Làm ngạc nhiên hết sức cho Thanh là chiếc quần láng
chéo go bà mặc căng hết cả đũng và bà lại còn đi guốc. Khi bà đi cứ như là
một bà chủ hiệu vàng ở phố Khách bó chân đi vậy.
Cu Chú chỉ trố trố mắt nhìn. Bà già rón rén đi sau. Bà đến gần Thanh
mới lên tiếng: