Hiền với Xim nhưng trước đây bà cụ Xim cũng như Hiền đều giữ ý không
nói ra.
Bà cụ Xim ngửng lên nhìn Chấn rồi im lặng. Hình như có tiếng nức nở
trong cổ họng bà cụ. Chấn càng không thể nén được hồi hộp khi thấy bà cụ
đứng dậy, đưa mắt trông ra ngoài sân rồi đi lại đằng góc nhà. Bà cụ hí hoáy
giây phút rồi rút ra không hiểu ở trong kẽ vách hay dưới chân giường một
gói nhỏ cuộn vải sơn. Bà cụ đưa cho Chấn, giọng nghẹn ngào:
- Của anh Hiền gửi tôi đây. Anh Hiền đưa thế nào thì cứ nguyên như
thế. Anh Hiền dặn tôi đưa cho anh thì tôi cứ giữ cho anh.
Tim Chấn bị giật mạnh. Đúng cái thứ vải sơn Chấn vẫn gói truyền
đơn, tài liệu giấu dưới ngăn đít thùng nước gạo hai đáy cho một chị ở cơ
quan đi phân phối cho mấy cơ sở. Nhưng sao Hiền lại giữ và gửi lại cho
Chấn làm gì? Mà là tài liệu hay thứ gì đây? Chấn rứt vội sợi dây gai ra.
Dây gai của thợ hàng giày xe vừa kỹ lại thiết chặt, Chấn cởi mãi không
được phải ghé răng nhay nhay. Mở miếng vải sơn ra, Chấn cố hết sức bình
tĩnh mà vẫn run cả tay và run cả trong người nữa. Đó là tờ báo cuối cùng
của xứ ủy Bắc Kỳ trong đó đăng một bài dài có mấy đoạn mà Hiền dùng
mật hiệu dặn Chấn trích để in thành truyền đơn hô hào thợ thuyền và quần
chúng Hải Phòng ủng hộ cuộc đấu tranh của nông dân Xô viết Nghệ Tĩnh
giữa lúc Xô viết đương lúc thoái trào bị khủng bố tàn sát dữ dội. Kẹp vào
giữa tờ báo là một mảnh giấy viết tay, chữ nhỏ như chân kiến và đúng là
chữ Hiền.
Chấn nhổm ra phía cửa. Chỉ thoáng nhận ra mấy chữ đầu, Chấn kêu
lên:
- Bài thơ của Cảnh con!
Đến lượt Chấn, Chấn thấy vừa nghẹn hết cả người vừa nóng rực cả
tâm trí. Đúng bài thơ của Cảnh con làm ở xà lim án chém để gửi về nhà quê