cho mẹ. Hiền chép bài đó gửi cho Chấn. Vừa phần Hiền cũng có mẹ già,
vừa phần Chấn và Hiền là hai thằng bạn học cùng trường. Chấn thường đến
nhà Hiền, rủ Hiền đi học. Buổi nào cũng vậy, không củ khoai thì bắp ngô,
quả chuối, cả đến đĩa bánh đúc ngô hay bát cơm nguội rang với muối, mẹ
Hiền cũng chia đôi, ép Chấn ăn với Hiền. Chấn cùng tuổi với Hiền. Cha
Hiền bỏ mẹ Hiền ở với vợ hai năm Hiền còn ẵm ngửa. Hiền gày gò rút rát.
Những buổi mẹ đi làm, Hiền học về, cứ ngồi chờ mẹ ở cửa không dám đi
đâu cả. Các con vợ hai của bố chơi đùa, đem quà bánh đến trước mặt Hiền
"nhẻm nhèm nhem", Hiền chỉ ngồi im không có thì lại khóc. "Sao mày khổ
thế Hiền ơi!". Bạn bè không gọi tên Hiền mà đặt cho cái tên bằng cả một
câu trên kia. Thằng "Sao mày khổ thế Hiền ơi!", hai giờ kém mười lăm rồi
đấy có đi học không? Thằng "Sao mày khổ thế Hiền ơi!", đi đá bóng với
chúng tao đi. Thằng "Sao mày khổ thế Hiền ơi!", u mày mới may áo cho
mày đấy phải không?...
Lọt cửa sổ gió đông hiu hắt
Ván xà lim lạnh ngắt như đồng
Não lòng cho khách anh hùng
Mơ màng thần mộng tới trong quê nhà
Xót tình con trẻ mẹ già
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi...
Những dòng chữ li ti của Hiền nhấp nháy ở trước mặt Chấn. Mắt Chấn
vừa đọc những dòng chữ nọ, tai Chấn lại còn nghe những dòng chữ cất lên
thành tiếng ngân nga nữa. Tiếng ngân nga của Hiền; tiếng ngân nga của cả
Cảnh con, và tiếng ngân nga của chính bà mẹ Cảnh văng vẳng thầm trong
tâm trí những lúc bà nghĩ đến Cảnh, nghĩ đến cái án chém, nghĩ đến nỗi đau
xót không thể nào nguôi được...