- Anh em bà con ơi! Thế này thì chúng mình khổ quá. Bỏ quê hương
làng nước ra đi bán hơi bán sức vậy mà cơm không có đủ ăn, áo không có
đủ mặc, chịu roi chịu vọt thế này, vậy cánh ta phải bảo đòi thêm lấy đồng
lương. Vậy ngày mai cánh ta không đi làm nữa, nhưng cánh ta không ở
nhà, ta ra cả ngoài bãi, họp nhau lại gọi cai bao khoán, gọi chủ thầu ra nói
chuyện!
Mấy ông cụ và mấy giai gộc dắt nhau ra ngồi trước. Dần dần mọi
người ra ngồi quây hết ở đằng sau. Cai ra, những anh em ngồi trước nói:
- Các ông gọi người nhà các ông ra mà làm. Ai cũng một lần da đến
thịt. Con trâu con bò nó làm cũng còn có giờ giấc, ăn cũng còn được gánh
cỏ no. Chúng tôi có túng đói mới phải đem cái thân đi làm thuê một nắng
hai sương, vậy mà các ông cứ đánh đập cúp phạt chúng tôi, nhà thầu thì giả
công không đủ ăn! Người làng người họ chúng tôi cũng đi tha phương cầu
thực. Họ ở Vàng Danh, Cẩm Phả về họ bảo ngoài ấy làm ăn lương trả cao,
gạo lĩnh đủ, không ai đánh đập. Ở đây thì đối xử tàn tệ quá, chúng tôi
không làm nữa...
Mấy thằng cai trước còn giơ roi lên dọa, sau đấu dịu. Nhưng anh em
cứ ngồi ngoài bãi. Người nhà chủ thầu thấy trên bãi dưới thuyền vắng lặng
hẳn đi, biết là có chuyện, vội sang phố phi báo. Chủ thầu cho thư ký đến
hỏi chuyện, bảo anh em hãy đi làm, muốn gì sau sẽ xét. Anh em cứ đòi chủ
phải tiếp. Chủ thầu được tin cuống lên. Nhưng nó cho con vợ ba nó sang.
Con vợ ba Hàn Lân vừa trẻ vừa đẹp nhất tỉnh thời bấy giờ, đi xe nhà vào
tận bãi. Khăn xa tanh, áo xa tanh, vòng xuyến vàng trĩu cổ tay, con vợ Hàn
Lân xuống xe cắp cái tráp trầu, lẹp xẹp đôi dép Nhật Bản, véo von gọi anh
em từ cổng:
- Này anh em! Anh em này! Sao anh em đương làm ăn vui vẻ với ông
chủ bà chủ mà bỗng đi nghe ai sinh chuyện như thế? Các anh em nên biết
rằng các sở mỏ chỉ "ới" một tiếng là có hàng nghìn cu li ngay. Tháng ba