Nhà máy dệt Tam Sơn có từ đời Nga hoàng, ở đây có lắm gia đình bốn
năm đời liền thay chân nhau vào làm và có người đã cùng tuổi Đảng với
đồng chí Lênin. Ngày Cách mạng Tháng Mười nổ, trong nhà máy đã có
ngay cả một xưởng rèn đúc súng đạn khí giới cho Cách mạng và thành một
khu Xô viết, dựng chiến lũy để chiến đấu. Nhà máy bị tấn công, bọn phản
động vào được nhà máy đã đem bắn chết mười chiến sĩ công nhân ở ngay
cổng. Về sau, chỗ đó xây tấm bia ghi ngày tháng và từng tên chiến sĩ đã hy
sinh. Lần nào có các đồng chí cách mạng ở các nước đi học ở Nga hay có
các đoàn khách của thế giới đến thăm nhà máy thì lại có những đồng chí
công nhân, những ông cụ, bà cụ đã làm ở nhà máy và tham gia chiến đấu từ
cách mạng 1905 ra tiếp, dẫn đi kể chuyện.
Lịch sử và câu chuyện nhà máy dệt Tam Sơn lại như một phim ảnh
loang loáng chiếu ra trước mắt Xim mà nền màn ảnh là tấm cờ đỏ rùng
rùng trên diễn đàn, là những băng biển, các đoàn, các hàng ngũ đứng như
thành như lũy dưới trời nắng và bóng cờ. Nhà máy dệt của Xim rồi cũng
phải nổi lên như nhà máy dệt Tam Sơn mà nếu Xim được phát súng đóng
giữ nhà máy hay vào Ủy ban cách mạng như những chị em thợ dệt Nga thì
sung sướng biết bao! Khi đó nếu không gửi con cho mẹ già, cho ai được thì
Xim địu con trên lưng mà chiến đấu. Cách mạng Tháng Mười Nga! Ở Nga
Xô viết có nhà máy dệt Tam Sơn thì rồi đây Đông Dương nổ cách mạng
cũng sẽ có những nhà máy dệt như thế, những công nhân như thế!
... Hàng của Thanh, của Cam xếp ở phía trái diễn đàn, cách hàng của
Xim hơn trăm thước. Trong khi Cam và mấy người bạn trẻ mới gặp nọ
chuyện với nhau, Thanh chỉ nghe họ chuyện và nhiều lúc cũng không nghe
thấy gì nữa. Từ sáng đến giờ, Thanh đi đứng hay ngồi đều như không phải
tự mình. Tới khi Thanh vào trong khu Đấu xảo thì Thanh thấy thật là mình
đến một thế giới khác, một mặt đất khác vậy. Lắm lúc những cảnh vật, sự
chuyển động và bầu không khí ở chung quanh Thanh làm Thanh như mê đi,
và sau khi Thanh định thần lại thì thấy trong đầu lại bừng bừng và nhức