Ngày tháng người tù chết, ông lấy ngày ta niên hiệu Bảo Đại và cũng
viết bằng chữ Nho. Đắp tảng đất cỏ lên giữa nấm mộ và cắm thêm ba nén
nhang dưới chân tấm gỗ xong, mẹ La bâng khuâng cả người, càng thấy
trong lòng mình như nung như nấu. Trở về nhà thương, mẹ ra suối gội đầu,
thay quần áo ngay. Bộ quần áo bẩn mẹ vẫn giặt và phơi trong nhà củi. Giữa
bó củi cành chất ở góc trong cùng đã sẵn sàng gói quần áo thổ, ống cân
muối rang, và hai đấu gạo nếp cũng rang. Đôi giành và cái đòn ống cũng
sẵn sàng nhưng mẹ giấu trong bụi ga, bên kia bờ suối...
Chỗ xôi mẹ La nhờ bà cụ đẻ người loong toong nhà thương thổi cũng
vừa chín tới. Mùi xôi đỗ xanh thoang thoảng. Chỉ một lúc nữa sẽ dỡ xôi ra
lá chuối đem về trại. Gói hoa cũng lại đủ cả huệ, hồng, bưởi, lý và ngọc lan
nữa. Những hoa bưởi, hoa huệ như những nụ đeo tai và những hoa hồng,
hoa lý, hoa lan thơm nức hẳn lên làm mẹ La thở thấy nghẹn nghẹn. Trầu
cau để cúng và mời chị em hàng trại lần này mẹ mua còn dư nhiều hơn. Mẹ
cậy cục mua được cả vỏ tía bọc mấy lần lá chuối có thể ăn hàng tuần lễ.
Về chiều lại lạnh lạnh. Trời lại muốn trở gió. Ráng mỡ gà. Mẹ La tuy
không váng vất như chiều qua, nhưng trán mẹ, mặt mày mẹ cứ bừng bừng.
Mẹ thấy hình như chung quanh đã bắt đầu để ý đến mẹ. Đấy là mẹ La nghĩ
như thế chứ người lính coi cỏ vê vẫn bỏ mặc bọn nhà pha mà ngồi chơi với
con khỉ con của ông phemiêxếp. Còn từ bà đỡ đến người loong toong nhà
thương và tất cả những người đẻ, người ốm đều chỉ nghĩ đến tối nay sòng
đố chữ ở phố chợ lại mở chữ gì đây. Cái chữ mà người nào cũng cố tìm ra
sự báo hiệu ở trong mộng mị, trong việc đi lại mua bán, trong sự gặp gỡ,
một con chim, con gà, trong những tên bông hoa, tên trẻ con hàng xóm
hôm qua hay hôm kia sực nhớ ra, và ở cả tên con khỉ con đương kheèng
kheẹc nhe răng dẩu mõm, cáu gắt chửi mắng cả người lính và những người
lớn khác suốt từ sáng đến giờ không ngớt tròng ghẹo hành hạ nó.
Mẹ La dọn dẹp nhà bà đỡ cũng đã xong. Còn các đồ lề của mẹ thì thật
là gọn gàng, kín đáo không thể nào hơn được nữa. Chợt mẹ La nhìn suốt