- "Thế là ta nhất định trốn! Tối hôm nay ta cúng bố chồng ta xong, ta
chuyện trò với các chị em hàng trại, ngủ một đêm nữa, sáng mai ta đi làm,
trưa về ăn bữa cơm cuối cùng, rồi chiều ngày mai là ta sang suối luồn rừng
tắt về Bắc Quang, không còn đi lại chốn này nữa!"
Mẹ La tự hỏi. Người mẹ lạnh toát, trống ngực như muốn đứt, trán hâm
hấp mồ hôi. Mẹ quay lên trông cái nhà kho hàng ngày mẹ cùng người tù
ốm và hai người bạn tù đàn bà vào lĩnh chổi, bao tải, nước kê din và chăn
chiếu quần áo của người ốm mà ông ký già gác kho giao hẳn chìa khóa cho
mẹ, mẹ muốn xuất nhập gì chỉ cần bảo qua ông. Sau lưng nhà kho là cổng
bên cũng đi ra đường cái về đề lao. Con đường trồng hai rặng long não, chỉ
chốc nữa mẹ sẽ lũn cũn xách bọc đồ lề đi về, cùng với bước chân lê xiềng
của người tù ốm và người bạn tù đàn bà hơn nửa năm nay đã thân thuộc
nhau, có chuyện cửa, chuyện nhà gì đều đem than thở với nhau, mời nhau
ăn từ miếng sắn lùi đến mớ rau láo nháo nấu với tí muối.
- "Thế bác La bỏ chúng tôi ở lại thật à?"
Câu hỏi thầm kia làm mẹ La giật mình luống cuống. Người lính đã
đập đập cái roi mây vào những cây ô rô, chờ ở ngoài cổng. Người tù ốm
đương dệnh dạng vừa đi, vừa thở, cắp ở nách một mớ rau má đã rửa kỹ để
chốc nữa về ăn ghém. Bữa chiều nay phiên cá mặn. Mùi cá mặn lựng lên từ
xa mà những nhà pha lúc ốm kinh sợ không gì bằng, có người cứ cầm đến
cá ăn có thể nôn ra cả máu.
Cỏ vê các sở đã về. Tiếng xiềng và tiếng vỏ lưỡi lê, bao đạn, súng xô
đập ở ngả đường nào cũng có. Những đoàn xe bò chạy ầm ầm, xẻng cuốc,
xà beng, choòng, búa inh ỏi. Buổi chiều ở cái tỉnh đường rừng thuộc đạo
quan binh nọ chỉ có tù và lính. Phần nhiều là tù khổ sai, án nặng người dưới
xuôi. Cảnh xơ xác, ốm yếu, rã rượi, cuồng cuống cứ lũ lượt lúc nhúc như
ong như ri. Tiếng thét, tiếng chửi, tiếng đánh đập càng ghê khiếp, vì chính
người thét, chửi, đánh đập là những kẻ gần như mất trí vì bị thúc bách, nếu
họ không làm như thế thì kẻ trên coi họ như là a tòng với tù nhân. Họ