nữa sẽ đành phải dùng vậy. Chỉ là bức tường bằng thứ gạch xi măng cà
khổ, rồi đây trời nắng sẽ hút nóng ghê gớm, trời mưa trời nồm sẽ ẩm nhớt
lạnh lẽo. Giường phản mà kê sát tường, người nằm sẽ thấy mình ở bên cái
nồi rang hay thùng nước đá. Nhưng ông cụ Vy lên xong được hòn nào cũng
lại ngắm nghía, lại tính toán, phác ra tấm cửa sổ sẽ làm với những mảnh
ván hòm sữa con chim chính tay ông cụ bào, cưa, đục, lắp.
Ông cụ kê giường sát bức tường mới. Cả thằng Vy lớn, thằng Vy em
lại nằm với ông. Chọn mấy mảnh ngói sứ chèn lại chân giường, ông cụ đẩy
thử thấy thật khít với tường và không lay chuyển gì nữa mới yên trí. Nắng
đã xế bóng. Bà cụ cũng vừa đun xong siêu nước lá vối ủ, chế với hoa
hương nhu, lễ mễ bưng lại giường cho ông cụ. Ông cụ lại bảo bà cụ rót một
bát to đem sang gian bên cho ông cụ Coóng. Ông cụ bạn hàng xóm nọ mãi
mới cất được cánh tay lên đón bát nước. Mắt ông cụ đùng đục cùi nhãn
nhìn lờ ngờ bà cụ Vy lúc lâu, rồi chẳng nói chẳng rằng, ông cụ lập cập uống
nước, uống không thổi không sụp soạp gì cả tuy nước vẫn nóng bỏng.
Chiều rồi. Trên dãy đồi Phù Liễn đằng xa, đã thấy lởn vởn những dải
hơi tim tím, hồng hồng, thẫm thẫm màu bồ quân ở ngọn đồi cao nhất dưới
vầng mặt trời vàng rực. Con sông Tam Bạc rợp hẳn. Thỉnh thoảng một
thuyền chở nhẹ, một ca nô nhỏ, từ ngoài cửa sông vào, lất phất những
vuông cờ hiệu và những quần áo vải trắng vải hoa đi thoáng qua ô cửa
đương xây của nhà ông Vy. Những thuyền bán chè đỗ đen, cháo đỗ xanh,
bánh giò, chuối bưởi cũng luôn luôn đi qua rao hàng như hát. Có gió. Gió
càng tung thêm bụi mù khi những cam nhông lồng qua. Gió thổi leeng
keeng những dây thép cột buồm và những dây thép chằng buộc những đò
những thuyền nát cắm mãi mãi ở dệ sông và làm thành một dãy phố thứ hai
trên mặt nước. Và gió tỏa ầm ầm ù ù những tiếng vang động của khu Máy
chỉ, khu Xi măng và cả khu bến tàu to Sáu Kho.
Gió nam! Gió nam!