- Giêsuma! Sao con phải chịu những phần đau đớn khốn khó như thế
này?
Sáng nay Thanh lại dậy cùng với mẹ, nhưng Thanh không thấy có
tiếng mẹ đọc kinh. Thanh đành nằm im mà nghe tiếng thở, tiếng ho của mẹ,
và thỉnh thoảng Thanh phải quay hẳn ra nhìn chỗ mẹ nằm.
Vẫn cái giường bình khung bằng gỗ lim đã đen bóng như sừng: đồ vật
quý giá độc nhất còn lại của gia đình Thanh. Vẫn cái thúng sơn đã thủng,
phải vá bằng miếng vải nâu cứng như mo nang, đựng những quần áo lành
lặn mặc thường, đồ khâu vá và mấy gói thuốc lá dùng những khi cấp bách.
Vẫn cái tay nải bằng vải chéo go mẹ Thanh may từ ngày còn con gái, trong
đó không biết mẹ Thanh xếp những thứ gì mà mỗi khi mẹ Thanh phơi
phóng lại bày ra nào cuộn, nào gói, nào hộp, nào túi... đầy cả một chiếc
chiếu và phải là chiếc chiếu sạch nhất, rồi mẹ Thanh ngồi canh như canh tủ
bạc. Một lần Thanh giở trộm một cuộn to nhất và cũng chằng buộc kỹ nhất
ra xem, thì thấy có mấy đệp những giấy chữ Nho và một cái mũ da bịt tai
như kiểu mũ nhà sư trong lót da rái cá. Mấy đệp giấy đều kẹp bằng mo cau
đã phơi khô mà vẫn mềm nõn như dạ, cắt vừa nhỏ vừa xinh. Còn cái mũ thì
hình như không bao giờ đội đến, nên tuyết lông vẫn mượt mỡ, cầm mũ
ngửi thấy thơm tho một cách lạ.
Đây có phải là những đơn thuốc gia truyền quý báu của từ mấy đời các
cụ trước nữa kia để lại cho cụ Lang già mà đôi lần Thanh đã được mẹ kể
chuyện lại một cách kính mến và nhớ tiếc vô cùng không? Cụ Lang già là
ông nội mẹ Thanh. Trong họ có một cụ nữa làm lang và cũng nổi tiếng
nhưng vừa là ngành dưới vừa ít tuổi. Cả các quan lớn tỉnh cũng phải uống
thuốc của cụ Lang già. Nhưng "người" vẫn nghèo. Không những thế lại còn
mắc nợ mà khi "người" hấp hối còn giối đi giối lại cho con cháu thế nào
cũng phải giả. Nhưng con cháu không ai giả nổi mà có một người ở mãi
tỉnh Đông nhờ thuốc "người" đã khỏi bệnh và lại còn được "người" cho cả
đơn, nên khi làm ăn khá giả đã tìm đến "người", thấy chuyện như thế thì