quạt, nào bưng giành tích bưng khay chén đến giường bà cụ Xim ngồi. Xim
cúi cúi mặt nhìn ra cái bàn nhỏ để sách báo, các thứ chai lọ hộp thuốc tiêm,
và nhìn cánh phản một người nằm kề bên cửa sổ treo một bức tranh phong
cảnh núi rừng. Chiếu trải ở phản là chiếu đậu, gối mây. Dưới gối vẫn là cái
áo chăn nhuộm vải xanh chàm Chấn may từ ngày ở Côn Lôn về Chấn chỉ
dùng đắp bụng chứ lồng lõi bông đắp thì ngắn cũn ngắn cỡn. Dạo Chấn còn
ở Hải Phòng với Kiều làm thường trực nhà báo, Chấn toàn đắp chăn bông
của Kiều, còn Kiều hình như không bao giờ dám đụng đến cái vỏ chăn tù
kia.
Chỉ thoáng phút giây Xim cũng đã nhận lại được đủ những nét những
vẻ của một con người đã bao lần hiện ra trong trí tưởng Xim, đã làm Xim
hồi hộp vô cùng. Dạo này mắt Chấn đỡ hẳn kèm nhèm. Nước da tuy mai
mái, nhưng không xanh xao quá như trước. Gò má bớt rám. Nhưng hình
như Chấn gầy đi. Có phải vì Chấn mặc bộ quần áo ta may rộng không? Tóc
ở chỗ hói của Chấn hình như rụng mất nhiều, làm cái trán bóng thêm, dô
thêm và gương mặt càng đăm chiêu, càng già trước tuổi.
Chấn cũng thế. Chấn cũng nhận lại đầy đủ cái dáng người và nét mặt
của Xim mà Chấn thấy thay đổi khá nhiều. Cái vẻ lặng lẽ sợ sệt của Xim
không còn nữa. Cũng vẫn lặng lẽ, nhưng Xim vừa cương quyết, khác hẳn,
vừa càng thêm hiền hậu ý tứ. Cũng vẫn nhẹ nhàng, nhưng không phải là sự
chậm chạp, yếu đuối như trước. Những cử chỉ của Xim đã lanh lẹn lại còn
dứt khoát, tuy có hơi bối rối ngượng ngùng. Như khi Xim đón lấy bình tích
tự rót nước mời lại Chấn, hay như khi Xim thoạt tiên bước vào nhà đỡ
Chấn cuốn cái mành lên, tự kéo ghế ngồi, để Chấn ngồi cùng giường với
mẹ Xim.
Riêng đôi mắt, đôi mắt buồn buồn xa xót của Xim, vẫn buồn và xa
xót, tuy giờ luôn luôn loáng hiện những ánh sáng của những sức tìm hiểu,
nhận xét và quyết định. Đôi mắt kiểu ấy thường ở những người đã qua