Tối hôm bàn tính việc đến trại Đức Sinh để nhờ cậy đường làm ăn
sinh sống, mẹ Thanh đắn đo mãi mới dám ngỏ ý với Thanh. Bà vào
chuyện:
- Nhà Chính thì tao thấy nó vẫn mặn mà và có ý muốn giúp đỡ chị và
cháu. Còn bà cụ Sen, ngay đến ngày bà ấy còn bán nước mắm ở trước nhà,
tao gặp cũng chẳng chào, đi lễ thì ngồi cách nhau ba bốn cột, vậy thì mình
có đến...
Không để Thanh có ý kiến, mẹ Thanh nói tiếp, giọng càng run run:
- Nhưng chả gì cũng là người cùng giáp, cùng tỉnh. Nhà mình chẳng
đến nhờ cậy bao giờ, nay cứ thử đến xem. Có gì bá Chính nó cũng nói giúp
cho...
Thanh đã nghĩ đến nước rồi thế nào mẹ Thanh cũng phải đến nhà Đức
Sinh và nhờ bà Chính nói lót. Nhưng khi ấy là bước đường cùng kiệt mà
mỗi lần tưởng tới Thanh lại bàng hoàng cả người và cố nghĩ rằng chưa phải
như thế, nhất là không bao giờ phải như thế. Điều khủng khiếp là Thanh
phải đến cả nơi đây nữa mà lại không được việc gì cả. Hay đến đây tuy
được việc, nhưng Thanh sẽ đánh đổi bằng một sự hy sinh về nhân cách,
phẩm giá thì liệu Thanh có chịu không? Nhưng dù đã cố tưởng tượng tất cả
những cảnh đau tủi mà mẹ con Thanh sẽ phải chịu đựng một khi liều đi đến
bước này, Thanh vẫn thấy rợn cả người lúc ở nhà ra đi và bước dần đến cái
cổng sắt có bõ Quý ngồi gác kia.
Đúng mười năm nay, Thanh lại đến gần cái người mà lúc Thanh còn
nhỏ thấy như là một thứ yêu, thứ quỷ, thở ra mùi đêm sương và thây chết.
Nhưng lần này không phải Thanh chỉ thoáng đến cạnh bõ Quý để rồi bỏ
chạy, mà Thanh phải dàn tận mặt y, chào gọi y. Đây rồi! Vẫn cái đầu trọc
nhọn, cái mặt da đỏ sùi, cái mũi quắp thây lẩy một miếng thịt thừa tím đen,
và cái sắc mặt như thức như ngủ, như mê như điên, nửa ngày nửa đêm... cái
mặt người ngày xưa thường hiện ra trong những giấc mơ hoảng hốt của