Nhưng chỉ quá trưa, khi bóng các hàng hiên vừa nhô ra khỏi bờ hè
chừng một thước, thì các hàng rau, hoa quả, quà bánh cơm nước đã lại ồn
ồn đến tụ tập ở những chỗ râm mát cây cối. Những người đi làm tầm muộn
Nhà máy Xi măng và ngoài bến Sáu Kho đã về. Ở những cổng xưởng máy
cưa, xưởng sửa chữa ô tô chung quanh đấy, lại tấp nập túi bụi hơn cả ban
sáng. Những người làm việc cũng như những người nghỉ ngơi ăn uống và
những người mua bán, lại bàn tán, chỗ thì ồn ĩ, chỗ thì rì rầm, về những tin
tức, những câu chuyện quan trọng và bí mật, bí mật và quan trọng trên kia.
Từ cái xóm của những thợ thuyền và các hàng người cùng khổ làm đủ
mọi nghề, gọi là xóm Cấm kia trên quãng đường lên khu nhà Máy tơ, có
một ông cụ già cứ đi đi về về giữa đường nắng, hậm hụi cả ngày như chẳng
biết, chẳng để ý gì đến mọi người mọi việc chung quanh cả. Ông cụ người
cao lớn, đầu trọc quấn một khăn bông dọc đỏ đã cũ, cởi trần, giữa mỏ ác và
dưới ngấn rốn bụng hơi xệ xoắn xuýt từng nạm lông. Quần lá tọa, ống thấp
ống cao, ông cụ đi khập khiễng, một tay chống cây gậy hèo to như cái côn
của những tay đại hán trong truyện Thủy hử, một tay xách cái thùng tôn to
cũng quá khổ.
Ông cụ tuy mù phải chống gậy và đi khập khiễng, nhưng nhìn bước
chân và dáng dấp ông cụ giữa đám xe cộ và người đi lại gồng gánh tấp nập,
người ta thấy không phải xe cộ và người sáng mắt tránh cho ông cụ, mà
chính ông cụ tránh cho xe cộ và người sáng mắt. Cứ mé đường, ông cụ đi
không chệch choạc quãng nào. Đến quãng có cống, có ngõ, có hàng dọn
nhô ra hay có đống gạch đống đá vừa mới đổ, ông cụ cũng vẫn cứ đều
bước. Nhưng ít người để ý đến sự tàn tật và sự đi lại đặc biệt này của ông
cụ. Người ta thường chỉ ngạc nhiên vì cái vóc người, cái sức khỏe của ông
cụ. Tuy da dẻ ông cụ nhăn nheo, lông ngực, lông bụng cũng bạc gần hết, và
tuy ông cụ đã móm mém, gò má nhô cao làm sâu lút hai lòng mắt trũng,
nhưng không thấy ông cụ yếu đuối chút nào.