Nhưng thấy thế không phải chỉ căn cứ vào dáng dấp ông cụ cứ đi băng
băng với một thùng tôn nước gạo đầy, chính còn vì người ta thấy ở cái vẻ
người, cái tinh thần toát lên từ toàn thân, tầm vóc, sắc mặt và sự hoạt động
của ông cụ. Cùng với cái dáng đi chắc chắn, đường hoàng, sắc mặt của ông
cụ khi đi đường vào những lúc mọi người đều bải hoải, hổn hển vì nắng,
cũng vẫn thanh thản ung dung.
- "Không hiểu cái nhà ông cụ mù ở xóm Cấm đi lấy nước gạo ấy, ông
cụ ăn uống và ngủ ngáy ra sao, khí huyết gân cốt của ông cụ thế nào, mà
ngoài bẩy mươi tuổi ông cụ cứ còn làm quần quật cả ngày như thế? Nếu
như trời đất mà không có đêm có lẽ ông cụ cũng chẳng cần ngủ nữa!"
Người ta chuyện với nhau, người ta tự nhủ như thế. Nhưng có ai biết
được cái chân trái khập khiễng của ông cụ người trông còn khỏe hơn cả trai
tráng kia thỉnh thoảng lại đau chói đau buốt vì một mảnh đạn trái phá nằm
thích vào cạnh ống xương như một mũi dao sắc nhọn bọc mỡ sống ở trong
gân thịt ông cụ?! Cũng nào ai biết được trên mé thái dương bên trái ông cụ
quấn khăn kéo trễ xuống kia, sâu hoắm một vết sẹo và cũng là vết một
mảnh đạn trái phá suýt cắt thủng sọ ông cụ ra? Chao ôi! Những vết thương
từ hơn ba mươi năm nay của một ông cụ già phải lìa bỏ quê hương, mai
danh ẩn tích vì trước đây làm lính của một vị tướng chống nhau với quân
Pháp hàng hơn hai mươi năm ở một vùng núi rừng hiểm trở kia, những vết
thương ấy sao dám để tiết lộ và ai mà biết được?!...
Cũng ai biết được ông cụ làm việc quần quật, làm việc như không còn
biết trời đất ngày đêm, chính là để ít ngủ, và ít ngủ để nghĩ ngợi, để sống
thêm mà nghĩ ngợi giữa lúc bao nhiêu kẻ đương tối tăm cả mặt mày, cuống
cuồng tính toán, tay năm tay mười, bầy mưu lập chước, để làm sao kiếm
được thật nhiều tiền trong cái tình thế không hiểu sẽ thay thày đổi chủ ra
sao này. Và ông cụ già mù ấy vẫn nghe, vẫn ghi nhớ và cả "trông thấy" nữa,
"trông thấy" nhiều cái rất rõ, rất lạ mà nhiều kẻ sáng đủ cả hai con mắt lại
không trông thấy gì hết!