lồ bằng gang vang ra. Ngoài sân đã không có một gợn gió lại còn đọng
thêm mùi khói than, mùi hắc ín của khu nhà máy Carông và hai cái lán
đóng thuyền ở gần đấy. Trại giam hoàn toàn thành một cái hầm. Cái hầm ấy
đương lúc im ắng nhất. Trừ cụ Vy và cụ đi lưới ngồi rì rầm chuyện với
nhau, và hai anh tập viết vẫn hấm húi với mẩu gạch non và bát nước ở tấm
ván sàn đen bóng, còn tất cả đều hoặc lơ mơ ngủ, hoặc cố vật nhau với sự
trằn trọc để nằm yên và không nghĩ đến cái nóng cái ngốt...
Tô nằm dưới một khung cửa. Giữa trưa nắng chang chang mà cả bên
trong và phía ngoài gần cửa chỉ mờ mờ. Bụi và hơi người cố dồn ra, lởn
vởn như những đám muỗi mát. Trong khi Tô nằm thiêm thiếp như thế thì
cái chỗ Tô ngồi viết tài liệu lại càng cách biệt hẳn ra. Nổi rõ như thế không
phải nhờ ánh sáng giữa trưa lọt vào mà vẫn là nhờ sự im lặng. Chỗ ấy sát
cửa trại, Tô ngồi đây dù bọn xubadăng ta hay gác điêng tây có đi "rỏn" nhìn
vào trại để xem xét cũng không thấy, vì tầm mắt chúng bị chắn bởi mép cửa
và bức tường của dãy xà lim ngoài kia.
Lương nằm phe phẩy manh chiếu rách cạp lại, kẹp với cành bàng
thành cái quạt, vừa nhìn ra chỗ Tô thường ngồi viết, càng thấy tâm trí như
bị vò bị nghiến. Trên đầu
Tô, tấm bảng đen tự tay tên gác điêng phó ghi bằng
phấn sau những buổi sáng và những buổi chiều điểm tù: 20-8-1940:
52.
Tới hôm nay hai mươi tháng tám, số tù nhân lên tới năm mươi hai
người, và như thế lớp huấn luyện đã được đúng mười ngày mở cho hơn bốn
mươi người. Liên miên mười ngày ấy Tô gần như không nghỉ ngơi gì cả.
Tô huấn luyện anh em xong lại viết. Nhiều mục Tô còn viết dồn viết cố cho
xong sớm để chuyện trò thêm với anh em, giảng lại những điểm anh em
đến hỏi Tô mà Tô rất áy náy tại sao mình lại trình bày khó như thế.