xanh lướt qua khu vườn hoa Nhà kèn rồi đỗ lại ở mé đường Nhà hát tây
ngay trước mặt Thanh. Nếu như cái hình ảnh và dáng vóc của Giáng
Hương chỉ còn là một cái gì ghê ghê rợn rợn trong cảm xúc và tâm hồn
Thanh, thì cái xe Lanhcôn cũng đã để lại không biết bao nhiêu cảm nghĩ
trong tâm trí Thanh kia, giờ đây cũng chỉ là một cái bóng xám lạnh trong
chuỗi kỷ niệm buồn tủi nhất của thời niên thiếu và đầu thanh xuân của
Thanh!
Cách chỗ Thanh ngồi chỉ hơn trăm thước là con sông Lấp. Cả nước
triều và nước sa đương đổ về. Biệt thự Bờ biển xanh ở con đường phía
trong. Cái ngõ ngày xưa đã mở rộng nay lại rộng thêm, hai ô tô ra vào cũng
vẫn thừa đất. Hai rặng xoan tây trồng dạo nào đã nhiều cây ra hoa đỏ rực.
Tòa nhà và khu vườn hoa của Thy San, Giáng Hương càng cách biệt hẳn ra
với những dãy nhà và xóm ngõ úp xúp rác rưởi ở đằng sau. Chính ở một
hàng hiên chỗ đẹp nhất và mát nhất của biệt thự trông ra vườn hoa, là chỗ
Thanh ngồi dạy học trong mấy cái tháng đáng ghi nhớ của đời Thanh. Còn
ở ngoài ngõ, dưới gốc cây bồ kếp dại bên bờ sông, thì những ngày đầu
Thanh thôi học, bỏ quê hương ra Hải Phòng, lòng không dạ đói, Thanh đã
ngồi cùng với những người thợ thất nghiệp chầu chực công việc làm cho
lán gạch, lán gỗ, sà lan, sà lúp và các xưởng sửa chữa máy móc ở hai bên
phố.
Hàng nửa năm, trên quãng đường này, Thanh thường phải trông, phải
nhìn Con cánh cam từ biệt thự Bờ biển xanh đi ra, lúc thì Giáng Hương và
Thy San ngồi xe, lúc thì mình Giáng Hương ngồi và Giáng Hương lái lấy,
lúc thì mình con gái lớn Thy San: Têrêxa Huệ Chi. Phải! Chỉ là tình cờ
nhưng lại là một sự tình cờ hay xảy ra, là Thanh thường gặp Huệ Chi.
Người con gái gương mặt trắng mát, cặp mắt ngây dại, vừa có cái vẻ lặng lẽ
buồn buồn như một tượng cẩm thạch, vừa có cái dáng ngơ ngác sợ sệt như
nai như thỏ ấy, sáng chiều thường đi xe một mình đến nhà thờ ôm theo toàn
hoa trắng. Thanh đã thuộc lệ những tuần dâng hoa của cô. Ngày bà thánh