quý của những ngày trước đây mà Kiều cho rằng mình đã hy sinh, dũng
cảm vô cùng, công lênh thành tích cũng như ai hay hơn ai!
- Nhưng ngoài cái dụng ý và mục đích này, Kiều còn dụng ý và mục
đích gì nữa không?
Đôi lúc Thanh lại phải tự hỏi câu hỏi trên đây. Thanh không những sợ
sợ mà còn ghê ghê, choáng váng.
Thấy Thanh càng lẳng lặng, Kiều cũng ngượng ngượng. Và kìa, hình
như Thanh lại đưa mắt nhìn Kiều. Đôi mắt với cái nhìn rõ ràng vừa nghi
ngại, vừa đau xót. Trong cái ánh sáng nhạt nhẽo gượng gạo của đèn phố
xanh mờ lầm bụi, gương mặt và sắc mặt của Kiều, Thanh càng nhìn kỹ
càng không thể tưởng tượng được sao lại có thể sút kém đến như thế. Cái
trán ngắn, cao cao, dô dô và hơi thót của Kiều, trước đây ngang ngạnh,
thông minh là thế, giờ sạm tối hẳn đi nên những nếp nhăn vằn vằn và
những đường gân ở trán Kiều cứ luôn luôn nhíu lại, rần rật. Vì những vẻ
đăm chiêu vờ vĩnh, vì những cái giật mình luống cuống, và vì những cái
cười gắng gượng lấp liếm. Còn cái cằm hơi lẹm, hất hất và cái miệng của
Kiều khi nói cứ sin sít, càng làm Kiều thêm cằn cỗi và gian quyệt, chứ
không còn chút gì kiêu căng, tự mãn, gây gổ như trước.
- Thế nào, đi một vòng sông Lấp, ăn kem rồi hãy về chứ? Về thế nào
mẹ lại chả để phần chè đỗ đen cho chúng mình!
Kiều cười hị hị. Nghe tiếng "mẹ" mà cả Chấn được coi như là người
anh cả và là đồng chí quý mến của Thanh trước kia vẫn gọi mẹ Thanh,
Thanh càng gai thêm tâm trí. Thanh phải cố giữ giọng cho tự nhiên và lịch
sự:
- Thôi Kiều và cô... đi ăn kem. Mình còn phải đến gặp ông ký già mới
ở Hà Nội về để xem công việc khai đoan và xuất chè ra sao.