Nhà thờ nhỏ giữa xóm đã kéo chuông tắt lửa. Cũng như đêm hôm qua
Thanh ở cái nhà thờ dưới bãi Nghĩa Dũng trên Hà Nội ra về, Thanh lại
nghe hồi chuông ngắn ánh ỏi vang ra cả ngoài cánh đồng và đầm sen. Mẹ
Thanh và cái gái Ngơ chưa về. Trong nhà thờ vẫn rền rĩ, thầm thĩ tiếng đọc
kinh của mấy bà già, mấy người đàn bà con mọn và mấy người tàn tật.
Càng vào sâu phía trong xóm, con đường đá càng mấp mô, mờ tối và nhiều
vũng nước. Trừ khu trại Đức Sinh vẫn sáng trưng đèn điện và gác nhà đội
Nhị vằng vặc đèn măng sông, còn chỉ có những ánh đèn dầu loi nhoi rọi
qua những bức vách, những tấm liếp long lở, gãy nát.
Thanh không gặp ai hỏi gọi mình cả. Hình như những người đi tầm, về
tầm muộn lúc bấy giờ đều là những người lạ, không thì cũng ít ai chú ý đến
Thanh. Trưa hôm sau Thanh cũng không ăn cơm nhà. Viện cớ phải về Nam
Định vì việc cần, Thanh đi chuyến xe ca một giờ, chỉ mang theo cặp sổ
sách, cái làn đựng quần áo lót, và lọ ruốc thịt của mẹ Thanh làm để Thanh
ăn những hôm đi kiết. Lúc đó mẹ Thanh đã đội bánh lên phố bán. Cái em
gái Thanh chỉ dám nhìn theo xe anh ngạc nhiên, buồn bã...
*
... Về Nam Định, Thanh còn lang thang một lúc rồi mới đến nhà đại lý
của sở để xem sổ sách công việc, đoạn lại đi ra phố. Năm trước Thanh vào
Thanh Hóa có qua đây. Thanh đã ở lại cái thành phố nhỏ quê hương chôn
rau cắt rốn của Thanh này một ngày rưỡi.
Dạo đó tuy đương đầu xuân nhưng cái lạnh vẫn ngăn ngắt vì gió bấc.
Thanh đã qua lại nhiều lần những nơi kỷ niệm thơ ấu của Thanh. Cái nhà
cũ và miếng đất của bà ngoại Thanh để lại cho mẹ Thanh mà mẹ Thanh
đem gạt nợ, nay thành hai nhà gác với hai chủ thuê có vẻ là ký phán tòa án,
tòa sứ gì đó. Tất cả di tích chỉ còn cái bể nước và giàn trầu không. Với gốc
trầu này, có vụ mẹ Thanh đã thừa ăn lại còn đem bán đong được cả gạo
mua thức ăn. Đó là thứ trầu quế tuy Thanh không nghiện nhưng mỗi khi tẩn
mẩn ngắm nghía rồi bứt một lá vàng vò vò ngửi cũng thấy thơm ngon một