cách lạ, và Thanh đã phải tưởng tượng đến đôi môi của những tố nữ trong
chuyện ngày xưa hay của những cô đi phù dâu líu ríu với nhau, quạt hoa
che mặt, khi pháo cưới đã nổ, trẻ con đón reo ầm ĩ...
Rồi Thanh lại qua khu vườn hoa rồi đến trường học cũ và cái bể chứa
nước cao chót vót của thành phố, ở đây cũng đã phơi phới bay bổng bao
nhiêu tưởng tượng và mơ ước của Thanh. Lần về quê hương ấy giữa một
tiết trời lạnh buồn nhưng Thanh nhìn đâu cũng thấy sự tươi tắn, dào dạt.
Thanh lại vừa đi vừa ăn mía, rồi ăn khế dầm, ăn bưởi, ăn táo rất ngon lành,
như ngày nào được mẹ cho tiền ngày dốc ống, hay khi Thanh viết thư cho
mấy bà cụ, bà mẹ có con, có chồng đi lính đóng ở bên Tây, bên Thượng
Hải, Thanh được họ thưởng cho hẳn hai ba hào bạc.
Giờ đây, ở nhà đại lý ra, Thanh vẫn không thấy đói, tuy trong bụng
càng cồn cào vì ấm chè của vợ chồng người chủ pha đặc mời Thanh uống
với đường miếng nhưng Thanh chỉ uống không.
- Nhưng trước khi tìm thấy được mấy thằng bạn học cũ hay nhà mấy
người họ xa để ăn ở trong mấy ngày thì chiều nay ta cũng phải đi ăn cái gì
cho đỡ mệt và có một chỗ ngủ tử tế chứ?!
Chợt một mùi thơm béo ngậy lẫn với mùi than tàu thoảng đến.
- Bún chả! Bún chả!
Đầu cái phố lách cách râm ran tiếng đục, chạm, cưa, bào nọ có một cái
ngõ sâu chỉ cần một tấm phên chắn ngang là người lạ khó mà tưởng được
trong đó lại có những dãy nhà với cả một xóm nữa: ngõ Văn Nhân. Đây rồi,
cái ngõ ở sau một ngôi đình nhỏ với một hàng bún chả chỉ có khách quen
mới biết vào ăn, vì hàng vừa dọn sâu trong ngõ, vừa trông qua thấy như
không bán thức ăn uống gì cả. Thanh ngờ ngợ, nghĩ đến những lần Thanh
nghe bà ngoại và mẹ Thanh chuyện về bún chả ngõ Văn Nhân, không biết
có phải hàng này không?