- Chúng ông là giống thần minh chứ không phải là hề, là bồi rượu của
chúng mày. Tùy từng chỗ, từng lúc chúng ông mới thật chơi hết mình chứ!
Đã thuộc Thái Trang và cả Trần Văn, nên Hoài Giang cũng không gợi
chuyện và chúc rượu gì cả.
Mặc dầu Thiết Phủ hết sức tạo nên bộ mặt chan hòa và dáng điệu tự
nhiên bình dị, Hoài Giang vẫn mủm mỉm ra cái vẻ hòa hợp lắm. Nhưng
trong sự nhã nhặn trang trọng này, tinh thần và tình tứ ý nhị nhất của Hoài
Giang đều tập trung dành cho bà chủ, mà nếu thật có giác quan thứ sáu hay
thứ mấy gì đó, thì bà chủ thế nào cũng phải dùng thứ giác quan ấy để bắt
điện và trả điện. Cũng quần cũng áo cũng cà vạt, cũng mùi soa cài túi áo
ngực, và cũng nước hoa, cũng kiểu cách phong lưu, nhưng ở Hoài Giang
thì thật bà chủ không thể không chú ý. Bà càng so sánh thì càng thấy chẳng
những khác hẳn với các ông Thái Trang, Trần Văn, Huyền Linh họ quá ư là
nghệ sĩ phóng đãng kia, mà còn khác cả nhiều người phong lưu vừa có
tiếng tăm vừa giàu sang làm nhà văn nhà báo bây giờ. Chả hạn, như ông gì
chuyên dịch sách Tây, soạn kịch bằng tiếng Tây đứng thầu đá cho nhà máy
Xi măng, hay ông gì cũng viết báo nhưng là báo Tây, nhà chuyên cân gạo
đỗ xuất bán sang Hồng Kông, giao du rất kén khách, hiện ở Nam Định. Hai
ông này hình như là bạn đặc biệt của Thy San, nên cả những bữa cơm
thường, Thy San cũng mời họ ăn, cùng nhau chuyện suốt buổi, có khi đến
khuya.
Hoài Giang còn có thêm một điệu ngâm thơ mà làng văn đặt cho tên
rất lạ: Vê đàn nguyệt hay Đi lâm khốc, nó cũng là tên về phong cách những
truyện ngắn của Hoài Giang đăng từ bảy, tám năm nay. Bao giờ truyện
cũng xếp ở những trang nổi nhất trên một tuần báo chuyên về tiểu thuyết,
khiến nhiều cô nàng ở các tỉnh lẻ và phố huyện mê văn mê thơ, hay bán
hàng ở chợ Đồng Xuân, làm khâu đầm cho các quan Tây, mỗi khi cầm đến
tờ báo thường rú lên với nhau: "Truyện của Hoài Giang, bài của Hoài
Giang lại cứ như thơ ấy, các cậu (hay) các mợ ơi! (hay) chúng mày ơi!"...