còn chờn chợn vì thấy dọc đường cứ từng chặng, từng chặng hỏi thẻ và
khám xét rất kỹ. Cả hai châu Sơn Dương và Đại Từ, La đi qua đều đầy lính
khố xanh. La nghĩ đến chẳng mấy ngày nữa sẽ về tỉnh Thái rồi về Bắc
Giang, ở đây La được biết mật thám và sự khám xét còn nghiêm ngặt ráo
riết gấp mười. Riêng Thái Nguyên có tên tuần phủ gì ấy biết bơi, biết võ,
rất ma quái, rất ác, đổi từ Quảng Yên lên để trấn giữ. Còn mật thám toàn
những Tây Lai và adăng cáo già ở các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định
phải lên sục sạo.
Bởi vậy, anh em La lại phải nói dối, từ giã bọn buôn. Anh em La
không ở lại tỉnh Thái mặc dù tỉnh này khá đông vui và tiện xe, tiện thuyền
đi các nơi, nhất là về xuôi.
Anh em La đi đường tắt. La gánh cũng nặng. Một bên là bọc đồ thợ
cạo quần áo tốt và mấy thứ quí: hai cân chè mạn của bà con làm phu và bác
Kiến An cho, và ba lạng cao gấu, hai lạng cao dê rừng ông lái nhường lại
giá còn rẻ hơn mua tại lò để La về quê làm quà cho mẹ. Một bên là cái chăn
sợi Nam Định mấy gói nấm hương mộc nhĩ và thuốc Nam. La nhập bọn với
năm người chuyên luồn rừng kiếm ăn, họ cũng lỉnh kỉnh những sọt những
rậu xếp nhiều thứ như của La. Cái Lu bịt đầu khăn vuông trắng, khoác một
túi vải nhỏ nhuộm chàm đựng cơm nếp nắm, thịt kho mặn và mấy phên
đường.
Cả bọn gặp quán ăn quán, gặp chợ ăn chợ, không thì tối đến vào trọ
trong các trại ấp, đong gạo, mượn nồi thổi nấu lấy rồi nắm cơm để dành
ngày mai. Tuy đi đường vất vả ăn uống kham khổ nhưng La lại thấy vui
vui. La nghĩ đến mẹ con La sẽ cùng sống như thế này ở các huyện các châu
rừng núi, lần hồi rau cháo với nhau, mai danh ẩn tích. Như vậy cũng còn
sung sướng hơn là ở các thành phố vừa làm ăn khó khăn vừa nguy hiểm.
Lúc chào từ giã họ, La cũng lại được từng người nắm tay hẹn hò tỉ mỉ,
nhà cửa thôn xóm, để La thế nào cũng phải tìm đến. Trong bọn có ông
đứng tuổi, người còm nhom, quần áo rách vá nhất, gánh rất nặng, đã cố nèo