Giọng hát the thé, khàn khản, cố ngân nga và tiếng đàn phập phưng
nắn nót của một bàn tay gầy guộc cóc cáy, lâu lắm La mới lại được nghe,
nó vẫn làm La thấy luyến thấy thương một cách lạ. Chỉ có vài người
thưởng tiền. Trong số mấy xu ném xoeng xoẻng vào cái chậu thau nhỏ đã
rách cả miệng mà ông bố sờ sờ cố vét thật đủ, có cả đồng xèng Bảo Đại.
Mặc dầu La đã bỏ rất nhẹ như phải giấu giếm đồng kền năm xu vào
chậu, nhưng không hiểu vì linh tính hay vì có tai nghe đặc biệt thế nào mà
ông xẩm vừa dứt cung đàn đã quài ngay vào lòng chậu, chộp đúng ngay
được.
- Năm xu đấy! đồng năm xu đấy.
Giữa ngay câu hát và điệu hát đang vút bổng lên, người con gái cũng
cứ nói. Chưa đủ cẩn thận, cô còn cầm lấy hẳn tay bố và tiền. Sau đó, đôi
mắt cô ở cái gương mặt bầu bầu bủng bớt cứ luôn luôn ngước lên nhìn La
mà càng ngân nga giọng hát. La nghe thêm một bài nữa, bỏ thêm cả ba xu
còn trong túi vào chậu rồi lách lách ra khỏi đám xẩm càng đông thêm sau
khi được ông khách bé con không hiểu từ đâu về, và đi chơi với bà con làm
ăn gì ở đây mà thưởng hào phóng thế?!
Vào Uông Bí, La tìm một hàng lúi xúi ở ngõ gần chợ để trọ. La nghỉ
ngơi một lúc lâu, hỏi han và xem xét chung quanh rồi mới gọi mua cơm.
Ăn xong La hỏi chuyện thêm rồi gửi bà chủ hòm đồ, để đi phố. Trước khi
ra đường, La soi gương lượt nữa, sửa lại mũ áo và miếng cao dán. Nếu như
trên Thái Nguyên La đi qua mật thám rất đông và khám xét rất ngặt, thì
Uông Bí cũng không kém mấy. Ngày trước La đã nghe nói nhiều về đây.
Hơn nữa Uông Bí lại đông người Hải Phòng vào ra. La sẽ được gặp nhiều
người quen thì cũng đáng lo.
Không hiểu vì liền rừng núi hay vì thời tiết mà La thấy buổi chiều hâm
hấp, lạnh không ra lạnh, nóng không ra nóng. Đâu đâu cũng có than có xỉ.
Vừa khói nhà máy, vừa than bụi, lại còn gió nữa. Vừa gió ngoài cửa sông