Bạch Đằng thổi vào, vừa gió núi thốc xuống, luôn luôn trời đất cứ đen sầm,
xoay xoáy những đám bụi khói và rác rưởi. Đứng ở ngã tư đường chỗ đầu
cầu sắt, trông ra ngoài bến than Đền Công đoàn xe goòng và cái đầu máy
bò bò trong những đám khói đám sương chiều và mây biển nghi ngút, La
lại càng nhớ đến các bến, các lán, các tràn ở Hải Phòng nơi trước kia mẹ La
lần hồi, và nơi La đi boòng theo mẹ và bán bánh. Lúc còn con gái và mấy
lần giận bố La, mẹ La cũng ra cả ngoài Uông Bí đây đội than hàng hai ba
tháng.
Tối thắp đèn phòng thủ, nên phố xá, đường ngõ, cảnh vật càng mù mịt.
Mặt người nào người ấy cứ xám xịt, dáng dấp cứ lừ lừ, lừng lững. Nếu
không có những nón, những mũ, quang gánh, choòng cuốc xẻng, thì khó
phân biệt được đàn ông, đàn bà, kẻ đi làm về hay chạy chợ. Mới hơn bảy
giờ tối mà nhiều quãng không thấy ai đi lại. Khu chợ chỉ còn những ăn
mày. Ở đầu cầu và bến ôtô cũng thế. Khu nhà sàn và nhà máy, lửa lò rừng
rực phập phù, và những bóng người đứng máy hoạt động trông như ở
những hầm sâu hay hang núi.
Lúc trở gió to, La mới ăn cơm. La gọi đơm một hào cơm, năm xu cá
kho và ba xu canh đậu phụ. Ngoài mỏ dạo này càng khan hiếm, La xót ruột
quá muốn ăn một bát canh dưa hay rau muống mà không có. Nhà hàng chỉ
có ba đám khách trọ. La và một người phu trong Vàng Danh ra, về quê ăn
giỗ mẹ. Còn là bốn mẹ con, có bố làm phu trong mỏ, người vùng biển Nam
Định.
Hàng đủ giường chõng cho khách nằm, nhưng gia đình nọ khẩn khoản
xin được nằm đất kẻo con mọn bẩn thỉu. Người mẹ có chiếu hẳn hoi nhưng
lại nói bà hàng cho mượn mấy mê chiếu bằng bao bì đường để trải nằm. Và
chỗ nằm là cái xó để than củi và cối xay bột giáp vách với bếp. Bà hàng và
người mẹ nọ đã mặc cả đi mặc cả lại với nhau rồi ngã ngũ như sau: Nhà
hàng không lấy tiền trọ và mẹ con không muốn dọn cơm cũng được, nhưng
sáng sớm mai, trước khi vào trong mỏ, bà hàng có đống than cám mua