Tên tây lai quật quật vẩy vẩy cái roi gân bò, đi ra trước. Ngọn đèn hoa
kỳ vặn to nữa. Bà hàng lại tra dóng cửa và chèn thêm một chốt gỗ. Người
mẹ đẩy đẩy hai đứa con lớn nằm gọn vào chiếu, rồi nhẹ nhẹ nằm xuống bên
cạnh, gối đầu đứa bé lên cánh tay, ấp nó vào ngực, một tay luồn vào sau áo
nó, xoa xoa từ cổ xuống lưng và cả hai mông đít sần những nốt ghẻ ruồi lại
nóng như hòn than ấy...
... Đêm ấy thằng La lại căng mắt ra. Nó càng nhớ cái bé Lu và thấy rõ
rằng chỉ vài bốn hôm nữa mà nó chưa được về với em thì không còn thể
sức nào mà chịu đựng thêm được nữa!
- Hay mai ta về thôi? Đằng nào ta cũng phải đi tìm u ta cơ mà...
Sáng hôm sau, La xúc và gánh giúp mẹ con nhà nọ hơn mười tạ than
từ trên dốc lên bếp nhà hàng, chờ người mẹ quét dọn xong thì cùng ra bến
xe song loan vào trong mỏ Vàng Danh. Mới hơn tám giờ mà nắng như đổ
lửa. Cái bến xe này là chỗ chuyển than trong mỏ ra cửa sông. Đường sắt là
đường xe goòng nhỏ, còn đầu máy hình như chế tạo hàng năm sáu chục
năm rồi, vào loại đầu máy xe lăn đường La thường thấy. Tất cả hành khách,
phu phen, người buôn bán với bất cứ hàng hóa gì, bao nhiêu hàng hóa,
cũng chỉ có hai toa chắp lại, sức chứa chỉ bằng cái toa trâu bò của xe lửa
thường. Nhưng buổi sáng nay, chờ mãi, đến chuyến thứ ba rồi vẫn chỉ thấy
chuyến chở than. Hỏi đi hỏi lại nhiều người làm, mới được biết là toa phải
dành chuyển lính khố xanh mới vào đóng trong mỏ.
Nắng, khói bụi và khí rừng núi bốc lên ngun ngút. Mặt đất và các bờ
cứ như rắc phoi sắt, bụi thủy tinh và rẩy nước sôi. Cả mấy mẹ con bà Nam
Định bạn đường của La chỉ có một mê nón. La lấy cái khăn choàng cắt tóc
gấp đôi cho hai đứa lớn che đầu. Rồi bọn La nhập với mấy bọn nữa, đi bộ.
Người mẹ ẵm thằng bé út và đội cái bị đựng quần áo và các thứ quí,
nhường nón cho thằng nhớn. Thằng nhớn gánh bên nồi niêu bát đĩa, bên
chiếu và mấy gói râu ngô lá vối và cào cào châu chấu phơi khô ướp muối.