- Thế thì phải sống thế nào mới được?! Cứ nạo mãi cái óc mỏi, rút mãi
cái ruột tằm mà làm giàu cho mấy thằng chủ nhà xuất bản, chủ nhà báo à?
Cứ vì tấm hình hài phải có cái che mà cứ bóc da bóc thịt bóc linh hồn ra để
đổi lấy vuông vải, thước dạ à? Cứ phải để những đứa có tiền nó nhìn mình,
không thể khinh được mình vì địa vị xã hội, vì cách làm ăn, mà đem đày ải
mãi tài năng của mình à? Tung hê mẹ nó đi tất cả những thành kiến, đá cho
vỡ bố nó hết đi những cái vỏ đạo đức hàng mã trưởng giả, để sống thật cho
mình. - Thái Trang xã đầu lên vai Trần Văn. - Hay không lên Hà Nội mà
chỉ đi núi Yên Tử thôi. Nghe tiếng mõ tiếng kinh buổi tinh sương, nghe
tiếng chuông lúc chiều tàn, rồi uống rượu với mơ hay với ổi ương cũng
được, ăn bát cơm với canh xuông rau ngót trong mấy hôm, rồi ngâm thơ Đỗ
Phủ, Lý Bạch, Nguyễn Du để không nghĩ gì đến các thứ bẩn thỉu, ti tiện của
cái xã hội này... âu cũng là một chuyến đi đẹp đấy!...
Sau đó chỉ nửa giờ, Ông Trẻ cũng ra đi. Bảy đồng bạc tiền còn thừa,
ông vuốt vuốt từng tờ, xíp vào nhau không sai một mép, gấp kỹ trong ví;
còn tất cả bánh chưa bóc và bánh ăn giở, ông đem gói vào mùi soa cũng rất
phẳng gọn, cầm với tờ báo. Ông xuống gác nhẹ và lạnh như một bóng ma,
tuy mặt ông hơi phừng phừng ngất ngây và hình như ông còn mỉm cười với
mình nữa. Từ cầu thang mờ mờ ẩm ẩm xuống bờ đường nắng chiều và
bóng cây đang phấp phới lao xao, cái mũ dạ mốc xám, cái áo lam hoa bạc
bợt phếch, và cái quần lụa như giẻ lau ấy, thõng thượt chập chờn ra đi cứ
như bơi trong khói trong sương vậy...
***
Cậu Khòa hôm nay lại mặc quần chúc bâu trắng, quấn xà cạp vải
xanh, đội cái nón dứa cũ quai vải hồng điều. Còn người ngồi trên xe là Bích
Nga, dưới chân có một lồng chim dẽ và một rổ trứng gà. Một bó hoa huệ
bông mẫm cuống dài, bọc những lớp lá ngâu, ngoài phủ một khăn voan
hồng đào, đặt bên cạnh Bích Nga.