Thường thường, cháu gái lớn cháu gái bé, nội hay ngoại nào cũng đòi
được đi ngủ với bà. Trời bức thì bao sạch sàn gác nằm. Trời rét thì trải liền
chiếu hai bộ phản ngựa và đúc mấy chăn lại. Bảy, tám, chín, mười... cháu
cứ nằm quây lấy bà. Mẹ Giáng Hương vừa quạt cho cháu này, vừa xoa rôm
vừa gãi cho cháu khác. Tối trời lạnh giá, mẹ Giáng Hương thường chọn
những cháu gái nào tóc tai bù xù nhất, cho gối đầu tay hay nằm lọt vào lòng
mình mà tuốt trứng. Chính người chị thứ mười bốn đẻ trước Giáng Hương
một đốt, đến năm mười bảy mười tám tuổi còn cãi nhau tranh nhau với các
cháu gái cái "phần" này mà nếu Giáng Hương không đi xa thì chắc chắn là
người được hưởng nhiều nhất.
Chỉ những buổi trưa và những tối khuya ấy, Giáng Hương mới được
nghe tiếng mẹ nói. Mẹ Giáng Hương nói bằng các câu văn của Nhị độ mai,
Tống Trân Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính, Thạch Sanh, Trê cóc, Kiều và thơ
chữ Hán. Thơ chữ Hán mẹ Giáng Hương đọc rất nhiều, nhưng nhiều bài
nhiều câu chẳng hiểu nghĩa gì cả, và Giáng Hương cũng chẳng cần mẹ
giảng, cũng chẳng cần biết thơ phú ra sao, song vẫn thích nghe. Giáng
Hương đã nhập tâm khá nhiều câu cho đến ngày nay tuy vẫn chẳng biết đầu
bài tên gì, của ai làm, và nghĩ ra sao...
Phải! Ngày kia là ngày giỗ mẹ Giáng Hương đấy.
- "Nếu ta không lấy Thy San, hay Thy San chỉ làm một giáo sư, một
chủ hiệu may, hiệu thuốc tây hay là một công chức xoàng xĩnh nào đó...
không khéo ta lại!... Nghĩa là Giáng Hương có thể mời được mẹ không về ở
hẳn lâu với mình, thì cũng năng đi lại. Rồi nếu chồng Giáng Hương lại
nghèo hơn hết các anh, các chị Giáng Hương, và nếu Giáng Hương vụng về
yếu đuối lại cũng đông con như người chị con thứ bảy hay thứ mười bốn
mà chồng làm giáo học tỉnh lẻ ấy,... hoặc giả Giáng Hương phải đi làm
công, phải nuôi con của mình bằng đồng lương của mình, ăn ở với một
người chồng được mẹ Giáng Hương thương mến về gia thế, vì tính tình, nết