"ngon" đấy, nên chúng mày mới lú lẫn đi, rồi có ngày chúng mày đều tan
cửa nát nhà vì con Đát Kỷ, Bao Tự ấy thôi!
Miệng vẫn liên liến một điều "thưa me" hai điều "thưa me" và dạ dạ
vâng vâng, tay vẫn làm theo ý Đức Sinh nào bớt hành, thêm nấm, hoặc rắc
hồ tiêu, hoặc bỏ hạt mùi vào các món sắp sửa nấu v.v... vợ Tú lại còn đon
đả và gần như õng ẹo nũng nịu mà bàn soạn với mẹ chồng.
Bên cạnh vợ Tú có hai con gái của y. Một kém Bích Nga gần năm
tuổi, tức là năm nay nó đã mười lăm tuổi rồi, mà cứ còm nhom, trông như
trẻ con lên chín lên mười. Một đứa tuổi mới mười hai nhưng lại phổng
người, đẫy đà và cao hơn chị hẳn một cái đầu. Cả hai đứa cũng mặc áo dài
cũng toàn hàng tơ lụa, nhưng vì phải cùng làm bếp đỡ mẹ, vừa phần phải
học làm học ăn, lấy lòng bà nội, vừa phần bữa nay nhà Tú cũng có khách
riêng, nên không khỏi mồ hôi mồ kê và chân tay lấm láp. Biết rõ đứa con
còm cõi kia rất căm rất tủi, nhưng vợ Tú cứ phải phớt như không, càng ngọt
ngào bảo ban con, nhiều lúc thân lấy khăn bông ướt đẫm nước hoa lau trán
lau má cho con, và gọi con cùng mình nếm các món ăn vừa suýt soa, tấm
tắc, cười cợt với các người làm.
Chính cái phút Giáng Hương bước xuống phòng khách, uể oải để Thy
San kéo ghế đón vào ngồi bên cạnh, thì vợ Tú qua sân nhà dưới trông lên
bắt gặp. Đi trước vợ Tú, đứa con gái còm nhom của y bưng một rổ nức mây
rất đẹp đựng đầy thức ăn vợ Tú lấy vụng chốc nữa thết khách của mình. Cu
Chú vừa thấy chị dâu giấu bưng về, liền bỏ ngay cây đàn băng giô, nhón
luôn hai miếng ăn. Đưa mắt lườm yêu con, vợ Tú không thể không nhìn hai
công tử sinh viên con vợ chồng Tuần phủ. Y thấy làm sao cu Chú hay hai
đứa con trai bé vừa sáng dạ, vừa chịu khó học của y, chúng nó chỉ được đỗ
cái bằng của hai công tử bỏ đi thôi thì y cũng hả lòng mát dạ.
"Trong khi ấy thì có đứa nhét con gỗ vào... cũng không đẻ, mà có đẻ
thì con nó vắt mũi không sạch, cũng được đi Tây đi Nhật học ngay đấy!"