hẫng như hụt, cơ hồ sắp lên cơn hen, còn ngang lưng thì mỏi sụn, mỏi thắt
lại.
Sau một cái ợ mạnh, cả nước cam và nước nho xộc lên chua lợ. Thy
San càng thấy mệt rã trong người, cùng lúc đó một thứ như nước sắt như
khói dầu nhờn ri rỉ mãi thêm trong tâm trí Thy San gần như không còn cách
gì ngăn cấm nổi.
***
Đúng là Thy San không thể chợp mắt được lấy một phút. Không phải
vì trời nóng. Trưa nay tuy nắng nhưng có gió nam. Cửa sổ các tầng gác
chót vót mở hết ra, các phòng cứ mát lộng. Cũng không phải vì bữa ăn
không ngon miệng lắm hay khó tiêu. Lại khác lệ thường, Thy San hôm nay
cũng uống rượu. Thứ rượu bằng nếp cẩm đã hạ thổ ba tháng mới lấy lên,
sánh như mật ong. Không hiểu rượu nho để làm lễ nổi tiếng của các cố đạo,
các đức cha ngon như thế nào, chứ uống thứ rượu của cố bà Đức Sinh làm
này, tự tay cố bà chọn từng hột gạo, thổi xôi đặt mốc, và cho người đi
chuốc từng quả men, thì đến kẻ khảnh ăn, hay chê ỉ chê ôi như Giáng
Hương cũng phải chịu là ngon đặc biệt.
Chả lẽ lại nói rằng hay hơn cả sâm banh của Pháp!
Còn ăn thì mấy món u Hùng làm đều rất khéo và toàn thức nhẹ.
Cũng không phải vì máy bay Mỹ bỏ bom. Ừ, Mỹ vẫn đánh phá Hải
Phòng đấy, nhưng chỉ mấy phố gần chợ, gần bến tàu thủy giơ lưng ra chịu,
chứ tuyệt nhiên các phố Tây, các nơi có kho tàng và quân Nhật đóng, vẫn
không bị động chạm gì đến. Tuy vậy ở các phố lớn trên hải cảng nọ, các
hầm trú ẩn nhà riêng vẫn xây rất nhiều, rất kiên cố và rất đẹp cũng nổi tiếng
như hầm của tòa Đốc lý, của nhà Đờvanhxy hay hầm nhà Thy San. Còn ở
trại lính và các kho thì ai mà không biết rằng đây có bao nhiêu quân, bao