- Ta hỡi mình ta giữa bụi trần!
Ngày tháng đề như lối chữ Pháp, tác giả không ký tên mà đóng triện.
Không hiểu ấn của các hoàng đế các vua chúa Đông, Tây có to như thế
không, đây triện của thi sĩ đúng bằng mặt cái bát quái mà trong thì khắc
chữ Latinh: Thái Trang kỷ nguyên.
Tuy gian nhà đã tối và ẩm, đầu hồi che kín một cây bàng, gốc cành sù
sì các thứ mấu, suốt hàng hiên lòa xòa nhiều lẵng phong lan treo khắp các
rui, mè, kèo, cột... không khí lại còn triền miên mùi hương, mùi trầm. Một
vòng hương cao gần thước ta đốt bên bình trầm ri rỉ khói, bày trên một kỷ
gụ ở giữa chiếu. Trước mặt là bức trướng thơ trên bia của Thái Trang.
Bốn người đang nằm ngồi ngả nghiêng, ủ rũ, đăm chiêu, mơ màng
chung quanh những trầm hương men khói ấy. Tất cả là nghệ sĩ.
Hoài Giang tuy sống bám vào vợ mở hiệu vàng nhưng dân làng vẫn
gọi là ông tham nhà báo (Trước Hoài Giang làm thư ký ở tòa án mấy năm,
sau thôi, chuyên viết báo, viết truyện ngắn là chính và làm thư ký tòa soạn
cho một tuần báo văn chương được hẳn năm năm, sau bị một ông bạn cũng
là nhà văn hất cẳng, vào làm thay).
Huyền Linh kiêm làm nghề chạy hàng xách và đưa khách thầy kiện,
viết thuê đơn từ, thì hay làm thơ trào phúng. Từ mười năm nay đăng báo
được ba bốn bài.
Thái Trang chuyên cả vẽ báo, viết kịch ngắn và làm thơ.
Trần Văn trẻ nhất trong bọn, đúng hai mươi hai tuổi. Trần Văn vừa
làm thơ, vừa vẽ, vừa soạn nhạc. Bức tranh gọi là siêu hình, lập thể,
môđécnít, v.v... treo trên bàn rượu là của Trần Văn.
Khi các khách của Đào Xuân Hồng và Lê Thị Thảo Minh đi chợ về,
bốn nghệ sĩ nọ mới lồm cồm dậy khạc nhổ súc miệng, hút thuốc lào và đùn