sao được?!
Khi Vin Hem về, thấy Dậu thiu thiu ngủ, rau đậu còn xếp đống, liền
dỡ ra, đem cả xuống bếp. Rón rén cởi quần, treo mũ vào mắc, anh ra vòi
nước rửa chân tay và cả thức ăn, nhặt nhạnh sắp xếp thứ nào vào món ấy
chờ Dậu dậy cùng thổi cơm làm bữa với mình.
***
Trần Văn nhận hai công việc trong chuyến về phố này: một, gặp bếp
Kình để tìm hiểu một phần về người cháu lão làm đội khố xanh quản đồn
Cao; hai, đưa tài liệu và thư cho vợ chồng Vin Hem Dậu, rồi nhận những
đồ của Vin Hem tặng Tổ chức.
Trần Văn đi xe đạp của Vy bố. Xe không chuông, không phanh, vành
to, dầy như bánh xe kéo của nhà Ô-mích. Lốp cờ-rếp đặc, đúc bằng đế giày
dép của các hàng đồng nát bao chè mua về cho gia đình chế biến thay thế
săm lốp cao su từ hai năm nay đã tăng giá một gấp mười. Yên xe bằng gỗ
bọc lần da giày lính tẩy. Quần xanh đáp đũng, đáp đầu gối, áo vải mui xe
bốn túi, mũ cói rộng vành, dép da bò sống. Đi xe và mặc như thế, Trần Văn
khoái lắm, hãnh diện như một phi công hay một kỵ sĩ ra đi cuộc trường
chinh bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, Trần Văn vẫn e ngại. E ngại có kẻ nhận ra
mình, dù đã đeo thêm đôi kính râm!
Nhưng rồi Trần Văn chờn chợn thật sự, khi gần đến thành phố. Đường
sá sao mà cứ lặng đi thế này! Từ khu sở dầu Thượng Lý đến đầu cầu Xi
măng, chỉ thấy lính Nhật gác. Thợ thuyền, phu phen và các người đi làm,
như đều nghỉ hay bỏ đi đâu hết cả. Thỉnh thoảng một cam nhông nhà binh
Nhật rú còi, chạy lồng lên trong bụi, lính đứng lảo đảo, súng ống rùng rùng.
Trần Văn đã toan không qua cầu mà rẽ về tay phải rồi sang đò. Chả là khu
đây có mấy nhà băng và mấy kho hàng thì Nhật chiếm hết, và biến thành
khu giam giữ người và tra tấn đặc biệt.