- Cả hai đầu cầu và đằng vườn hoa Ba-ty cũng không thấy gì khác ý
mà! Cứ đường hoàng đi đường này thôi. Qua sông, sang bến bên kia, nếu
gặp "chó" đã quen mặt mình thì đúng là mình nộp mạng!
Trần Văn xuống xe, đi thong thả, vừa tính toán nếu có động thì sẽ rẽ
vào ngõ hay tạt sang ngả đường nào hóc hiểm. Trần Văn qua được khỏi
cầu, trống ngực đập nhẹ hẳn: anh đi lên đường phố Khách, tuy đấy cảnh
tượng cũng ngao ngán, oải mệt nhưng còn có những cửa hàng mở, người đi
đường và một vài xe cộ qua lại. Bếp Kình vừa thấy Trần Văn vén mành
lạch xạch thì reo lên:
- Xe ca-ma-lố đây rồi! Xe ca-ma-lố (2)đây rồi!...
Sau buổi gặp bọn Trần Văn ở Bờ Hồ rồi đi ăn uống ở quán trà Tuyết
Thiên Nga và hàng cơm tám giò chả Bích Ngọc, bếp Kình biết thêm Trần
Văn là con người lính kèn đã đi sang Tây với mình những năm đại chiến
1914 - 1918, lại cùng một tổng với nhau, nên bếp Kình đã nhiều lần muốn
chuyện lâu với Trần Văn vậy mà chỉ được gặp lại một buổi tuần trước ở
bến đò Bính, người đi Hòn Gai, người về Hải Phòng, mời nhau chưa hút
hết điếu thuốc là phải chia tay.
- Thưa bác, bác cứ coi em như người nhà... Trần Văn điệu bộ rất trân
trọng, nghiêng mình trước bếp Kình.
- Tôi đã bảo mà, cậu cứ coi mỗ như là hàng em ông nhà. Tôi kém ông
nhà những hơn một giáp, thì cậu đừng...
- Vâng, vâng, vì vậy bác cứ cho phép em được rất thân tình... Thưa
bác, giờ bác có bận đi đâu không ạ?... Trần Văn xoa xoa tay cười, mắt tròn
mắt dẹt trông ra cái xe đạp, ý muốn đưa vào nhà cho cẩn thận.
Bếp Kình liền vung tay: