Vừa dứt lời, bếp Kình đã quài tay nắm gọn hai cổ chai rượu ở cái tủ
phía góc tường giơ ra trước mặt Trần Văn:
- Xanh Zam hay Nga Mi... thích thứ gì cứ việc rót, cứ việc rót...
Miệng nói nhưng trong bụng bếp Kình lại thấy buồn và lo ngại về sự
mỏi mệt ốm yếu rất rõ của mình. Đúng, hơn tháng nay, bếp Kình không
đêm nào không luôn luôn thức giấc, hay ngủ yên được hết gà gáy lượt hai.
Nhất là từ sau ngày Huệ Chi chết, tòa nhà Bờ Biển Xanh của Thy San càng
vắng, càng lạnh, càng hoang, càng rợn, ngay đến Tú mông cũng không dám
nhòm ngó tới nữa. Bếp Kình đã cố gắng mà rồi cũng phải đưa trả tất cả chìa
khóa cửa giả cho cố bà Đức Sinh, mướn một chuyến xe ba gác chở đến nhà
thuê riêng ở bờ sông này mỗi cái giường sắt quen thuộc bao năm của mình
và cái tủ rượu mua lại của một người bếp già ngày xưa làm cho Tây quan
ba tàu thủy để đựng những chai rượu mất nhãn hay sứt cổ rạn đít của Thy
San mà Tú mông không dám vơ vét, sợ ê chệ quá với hàng phố!
Sự ám ảnh của cái chết của vợ chồng Thy San đã ghê, đã rợn, nhưng
cũng không bằng cái chết của bốn vợ chồng con cái Tây Đờvanhxy, và lại
càng không bằng cái chết của Huệ Chi. Cũng như khu biệt thự Bờ Biển
Xanh mấy năm nay đã buồn đã vắng, thì nay lại càng lạnh lẽo; trưa cũng
như chiều, canh khuya cũng như sáng sớm, ngoài vườn cũng như trong các
buồng hay trên sàn thượng, đều như có hồn yêu ma oan nghiệt rên khóc ở
cả các chòm cây, các bóng cột, các lan can... Và bếp Kình lại còn phải thấy
thương. Một sự xót thương cũng rờn rợn, lạnh lẽo vô cùng mỗi khi nghĩ
đến Huệ Chi, mỗi khi phải nhìn đến những nơi phảng phất bóng dáng Huệ
Chi.
Người nhận chùm chìa khóa bếp Kình giao trả là vợ Tú. Còn cố bà
Đức Sinh, cả lúc bếp Kình chắp tay vái chào lần cuối cùng để đi ra, vẫn
chẳng nói chẳng rằng gì cả. Cố bà ngồi trên cái sập khảm xà cừ mọi khi vẫn
tiếp các khách có công việc như cầm bán nhà cửa, mối manh vàng, ngọc,
kim cương, thuốc men bông sợi, chạy quan tòa, cha cố về các án từ, hay