khao vọng, vào đám mở hội... Cố mặc áo lụa đỏ chóe, quần xa tanh trắng
mốc, áo vải màn xổ gấu, tóc xõa xượi, tay cầm cái gáo dừa đen nhẫy như
sừng cứ múc nước ở cái chậu sành bên này đổ sang chậu sắt mỏng bên kia,
đầy xong thì lại đong đổi chậu... như sáu mươi năm trước đây, nhà còn
đong bán nước mắm ở trước cổng chợ ấy...
- Uống với tớ nào. Ừ cốt nhắc thì phải tợp hết cả ly như thế mới được!
Bếp Kình lại rót rượu cho Trần Văn.
Tuần qua Trần Văn vừa phải làm việc liền liền bên cạnh bố Vy ở một
buồng tối như buồng tằm để viết để khắc và in lại mấy tài liệu gửi về trong
Hải Phòng cho công nhân mấy nhà máy lớn sau những cuộc đấu tranh với
bọn chủ Tây và bọn Nhật giám sát ở đây buộc chúng đã phải trả lương
đúng kỳ, đã phải can thiệp bán đủ số gạo cho gia đình, và đã không dám
"cho nghỉ" một người làm nào nữa. Báo Cứu quốc, báo Cờ giải phóng đưa
mấy cơ sở nhà máy cũng như ở đường phố đọc, bọn Vy nhớn, Thanh cứ
mỗi kỳ lại phải xin thêm. Truyền đơn phát bao nhiêu cũng vẫn thiếu. Nhiều
khẩu hiệu và hình ảnh trong báo đã "can" ra những tờ giấy to và vẽ hẳn lên
cổng, lên tường nhà máy, với hai chữ Việt Minh hay V. M. đứng xa hàng
cây số vẫn đọc rõ. Có lần được phân công vẽ lên tường một cảnh đấu tranh
thắng lợi của công nông, Trần Văn đã nổi hứng ký tên nhưng sau phải bôi
nhòa đi một góc và khẩn khoản xin lỗi với Tổ chức. Bởi vậy, dù chỉ có một
ngọn đèn dầu hỏa trong buồng, ba hôm ròng Trần Văn chỉ cần thỉnh thoảng
ra ngoài một lúc là lại tỉnh táo, sảng khoái. Rồi sáng nay Trần Văn ăn với
bố Vy mấy củ khoai luộc xong là ra đi.
Giờ đây, đến với bếp Kình, Trần Văn tiếc nếu có Thái Trang cùng đi
thì vui thêm biết bao.
- Bác thấy mệt thì về quê mà nghỉ, tội gì mà vong vóng một mình
ngoài này. Sáng cứ mở mắt ra là thấy người chết ở ngay trước cửa, ở ngay
bờ hè nhà mình, thì cứ gọi là ăn vàng cũng không còn thể thấy ngon...