Bếp Kình:
- Kể ra với mấy thằng lùn mà vẫn phải chịu như thế thì cũng ức thật!
Nhưng mỗi người là một bụng, ba chục người là ba chục bụng, bụng mình
còn chả biết được hết, chả thật là chắc nữa là... Vả lại làm như thế rồi còn
phải tính đến chuyện khác, chuyện xa... chuyện về lâu dài.
- Giời ơi! Những chuyện gì ghê thế cơ bác?!
- Chuyện miếng ăn,... chuyện vợ con thê tử, bố mẹ anh em.
Trần Văn huế huế cười nhưng liền lấy ngay bộ mặt trang trọng chín
chắn:
- Bác à! Thế ra mình cứ phải bám lấy những thằng đi ăn cướp, đặc biệt
lại là những thằng đi ăn cướp đang thua lụn thua bại, để lấy miếng cơm cho
qua ngày? Mà nào vợ con thê tử bố mẹ anh em đã được nhờ vả gì mình!
Hay chính vợ con thê tử bố mẹ anh em mình lại đổ mồ hôi máu mắt làm ra
thóc gạo, đóng các thuế khóa nuôi lại chúng. Và chính mình phải đem cái
thân ra làm bia đỡ đạn... như ông nhà em, như bác ấy... Thời thế chuyển
vần, vận hội nước mình không chịu như trước nữa đâu bác ạ!
Bếp Kình im lặng. Bao nhiêu sự đổi đời đang diễn ra gần thì ở ngay
làng bếp Kình và các làng chung quanh, xa thì ở huyện trên huyện dưới,
tỉnh trên tỉnh dưới, nơi nào cũng có Việt Minh về và dân đã nổi theo.
Bên sông, thuyền, ca nô đỗ đã đông. Từ bực đá cạnh nhà bếp Kình tới
những bến tàu Nam Định, Hòn Gai, Móng Cái tít trên kia, tuy có mấy
quãng nhà cửa và kho hàng bị Mỹ bỏ bom, nhưng dạo này dân cư lại kéo về
hết, xoay sở lần hồi kiếm ăn. Cái nhà của chú cháu Trần Văn hai tầng ghép
bằng các thứ ván gỗ, tôn sắt, bao bì trên quãng kè miệng cống sập vỡ và
ngập rác ở trước một kho hàng bị bom phá, nay đã có người thu dọn và che
mái lên những góc đổ nát mà ở. Khói đun nấu đang cuốn mù lên ngay cửa
ra vào có mấy đứa trẻ con rách rưới, trần truồng chầu chực. Không hiểu tại