suýt soa, choàm choạp, phì phò. Trời sao càng thẫm càng lấp lánh, gió càng
lồng lộng, Giuse Khòa càng thấy lý thú, khoan khoái với cái cáng trên vai.
Kiệu Đức bà, kiệu các thánh kể cả thánh Giuse quan thày của Khòa,
kiệu Mình Thánh, những ngày hội ngày lễ trọng cũng như ngày hội ngày lễ
thường chỉ có các quan viên hay những trai tráng của những nhà chức sắc,
giàu có mới được khiêng, được mó đến. Thấy cỗ kiệu nâng bổng và nhích
theo tiếng trống tiếng chuông, tiếng khánh tiếng sáo và đặc biệt là tiếng kèn
bú dích mà người khiêng cũng như người đánh trống thổi kèn đều quần
chùng áo dài, đội mũ đeo băng quấn khăn, bện xà cạp, Khòa cứ ao ước chỉ
được làm chân khiêng vác khuân dọn bưng đưa các chân niễng đòn kê ấm
chén uống nước cho họ thôi mà cũng không được!
Rồi cả đến khiêng đòn đám ma mà có thầy cả cầm thánh giá, chú bé
lắc bình trầm, với các quan viên cầm cờ cầm nến đi hầu, Khòa cũng không
được làm.
Nhưng Khòa lại được làm một công việc khác rất thoải mái và được
người ta tìm đến nói năng rất trân trọng là đi chôn. Đi chôn những người
chết, những nhà nghèo túng quá, mua cỗ áo quan gỗ mỏng phải đóng đinh
cũng không chạy vạy được tiền, những kẻ khó, ăn mày, những người bệnh
truyền nhiễm là bổn đạo mà kẻ thân thích có đi trình lạy mời các cha thì các
cha đến chỉ làm phép xức dầu thiêng liêng cho mau mau chóng chóng rồi
về... Khiêng cỗ áo quan với người chết không đòn không nhà táng đã nhẹ,
thế mà lại còn khiêng có một bó chiếu với một người cũng khỏe cũng quen
việc như mình, thì nhẹ nhàng, thảnh thơi quá. Rồi lại cùng mấy người nữa
cũng rách rưới nhóm nhếch như mình, đào huyệt đắp điếm thật sâu thật
chặt và đánh góc, lấy đá gạch đánh dấu ở đầu ở chân hẳn hoi cho khỏi tủi
người chết và cho được mắt người thường, thì từ phút Khòa bắt tay vào làm
cho tới khi ra về rửa tay chân ngoài ngòi, cầu ao, cạnh giếng. Khòa đều
thấy như vừa bị bố thí tiền gạo thuốc men và được khen được thưởng ấy!