là bà ghế xong cơm là lại ra ngay vại nước, múc nước dội dội vò khăn rửa
mặt. Rằng thì là bà vào đến giường thì tôi thấy cái Ngơ cuống lên gọi... bá
ơi... mẹ con sao thế này, bá ơi là bá ơi!...
Từ phút đó, mẹ Thanh chỉ còn thở là thấy còn sống. Ngơ đi mời cha,
cha làm phép xức dầu, giơ thánh giá lên mặt, bà Thanh cũng chỉ há miệng
phì phò, không động đậy nét mặt gì cả. Lương tiêm cho bà hai ống hồi sinh
thì bà co co đùi, giằng giằng tay bên tiêm, còn bên kia liệt hẳn, và lạnh dần,
lạnh dần. Đổ thuốc cảm, đổ cả nước đồng tiện và gừng, phải cạy răng bà,
bà mới hớp hớp được mấy thìa...
Thanh tê lặng nhìn gương mặt của mẹ không tái nhợt và xanh rũ như
trong các cơn hen mọi khi. Gương mặt bà đỏ rẩng, Thanh rờ rờ nặn nặn
trán mẹ, vuốt vuốt mái tóc lúc nào đầu ngôi cũng giữ thẳng, khăn vấn lẳn
gọn. Thơm đứng ngay bên Thanh, sát cạnh Dâng.
Thơm nói mãi không được, sau phải giằng lấy thằng Minh và hết sức
kéo Dâng lên nhà trên.
Thơm mồ côi mẹ từ nhỏ, cha mới chết đoạn trăm ngày. Còn người anh
bỏ nhà lên Hà Nội để tìm công kiếm việc thì tháng trước được tin vừa chết.
Cũng ốm đói và chết đói! Chị dâu, em chồng và ba cháu, năm con người
mãi đến gần đây theo dân đi cướp được luôn mấy kho thóc thì mới được
ngày bữa cháo, bữa ngô bung, cám rang. Rồi cũng nhờ các nơi phá kho
thóc và gặt chiêm, nên còn thêm được bữa cơm, những hôm chị em có việc
đi xe than, xe củi, gạch ngói ở trên phố hay các bến. Thơm nghe Dâng khóc
mẹ Thanh mà coi như mình là Dâng vậy. Thơm càng xót xa, thấy sao cha
Thơm, anh Thơm không còn sống được đến ngày nay. Những ngày chị em
Thơm không còn làm sao chạy được bát gạo hay vay mượn đâu được lấy
một đồng bạc, thì Ngơ đi xuống các đồng làng dưới xa hàng ba bốn cây số,
bắt cua và kiếm rau về nấu với cám, đem sang cho các cháu bé của Thơm.
Nay... Thơm sắp lấy chồng. Thơm sẽ lấy Cao...