Thanh và Lương trở về làng Hải Phong. Thơm lại đón hai người vào
nhà vệ Kháng.
Từ ngày cai sếp đồn Cao đi theo Việt Minh, trở về thăm làng và được
chắp liên lạc với Lương và vệ Kháng, vệ Kháng đã xếp hẳn gian buồng
phía nam trông ra khu vườn rộng cho Thơm ở riêng. Vợ chồng vệ Kháng
còn nhất định bắt Thơm phải để mình thổi nấu cho ăn. Nhưng Thơm khất
khi nào về bến sông nhà làm việc thì Thơm xin nhận. Bố cai sếp đồn Cao là
anh ruột vệ Kháng. Người cô họ vệ Kháng là em con dì con già với bà cụ
Hương điếc bên bãi Trại. Một người lính nữa ở đồn Cao xin về làng cũng là
người trong họ nội vệ Kháng. Bởi vậy càng quý Thơm, vợ chồng vệ Kháng
càng nèo cho bằng được Thơm lấy nhà mình làm nơi đi lại, nơi hội họp của
các cán bộ. Riêng vợ Kháng càng có cảm tình đặc biệt với Thơm, vì biết rõ
Thơm là người đặc trách chú trọng tuyên truyền giác ngộ mình.
Vợ chồng vệ Kháng cũng chỉ được hai mụn con gái. Nhưng vệ Kháng
không như anh cháu cai sếp, lấy thêm vợ hai vợ ba, mặc dầu người vợ vệ
Kháng ốm yếu quá không còn thể chửa đẻ được nữa, mà vệ ta thì năm bảy,
năm tám tuổi rồi! Thế rồi lại được Thơm giảng giải nhiều điều về người
phụ nữ ta, những nông nỗi cay cực họ và những quyền lợi mà họ được
hưởng phải thật xứng đáng, nhưng vì chế độ xã hội này với bao nhiêu tục lệ
vô lý vô cùng lạc hậu, nên thân phận nô lệ của họ càng nặng nề đen tối hơn,
trăm bề chịu thiệt thòi hèn hạ, thì cả vợ và hai con vệ Kháng càng thúc giục
bố phải làm sao cho Thơm về hẳn nhà mình cũng như nhà mình phải là cơ
sở của Việt Minh như lời anh quản đồn Cao và anh cai sếp căn dặn.
Những lần Thơm phải ở lại bến ngoài bốc than bốc đá cả đêm hay phải
đi khai hội ở các xóm liền liền mấy tối, vợ vệ Kháng cứ ngẩn ngơ cả người,
ra đứng vào chờ, nhà dọn cơm ăn cũng mặc.
- Nó lại ốm đứng rồi đấy! Thôi tôi phải đi đón ngay cô phe mia Thơm
về tiêm ngay cho mấy ống thuốc...