Trước tác phẩm "Viên thanh tra" của văn hào Gôgôn, thi hào Puskin
đã phải cất tiếng kêu, một tiếng kêu từ đêm sâu lạnh thẳm của mặt đất xé
lên:
- Giời ơi! Nước Nga của chúng ta sao mà buồn thảm?
Trên cái mặt đất cách đây hơn hai mươi năm tôi đã sống, trên những
quãng đường hàng ngày tôi đã ra đi lang thang và giữa những cảnh vật tôi
đã về ngồi viết những tập sách trứng nước của tôi, tôi cũng đã không thể
không kêu lên:
- Giời ơi! Cuộc sống sao mà nhiều buồn thảm đau xót! Làm sao tôi đủ
tâm hồn mà ôm lấy cuộc sống này? Mà viết nổi lên cuộc sống này!
Tarát Bunba cùng với Tội ác và trừng phạt với Rátkônnikốp đã thêm là
một sự kích thích cho tôi, thêm là những ám ảnh da diết của tôi, thôi thúc
tôi phải viết về những con người đã chịu bao nhiêu nỗi đau xót thảm khốc,
những con người đã cố vượt lên trên mặt đất tàn ác này, những con người
không chịu những sự hèn hạ lăng nhục, những con người bất khuất...
***
1937
Cũng trên cái mặt đất và những cảnh vật ấy, phong trào Mặt trận dân
chủ ở Đông Dương, với những cuộc đấu tranh sôi nổi rộng lớn của quảng
đại quần chúng, đã dần dần mở ra một bầu trời lồng lộng tươi sáng. Dưới
bầu trời đó, tôi đã tìm đến Lêông Tônxtôi và Mácxim Gorki. Cuốn sách đầu
tiên tôi được cầm lâu dài trong tay, thức say sưa với nó là cuốn " Sống lại"
(Résurrection) của Lêông Tônxtôi. Rồi tôi tìm được đến Gorki. Tôi đọc
Những vagabông, Kỷ niệm thời thơ ấu và Người mẹ của Gorki.
Qua từng trang từng trang trong cuốn Sống lại của Tônxtôi mà tôi
được đọc lần đầu tiên nọ, tôi thấy cứ dần dần một trái tim mênh mông ôm