chồng bản thảo khác đến nửa năm. Tình cờ Cái lò gạch cũ được chú ý.
Người chú ý là một nhà văn nọ nổi tiếng một thời về cái "triết lý sức mạnh"
cái tài viết nhiều của y, và cả vì cái đức độ có nhiều đàn em đi theo hút
thuốc phiện, ăn phở, rồi về viết cho đàn anh ký tên đưa các nhà xuất bản
lấy tiền để lại đi hút thuốc phiện, ăn phở. Nhà văn của "triết lý sức mạnh"
để ý đến bản thảo của Nam Cao không phải vì tìm đọc mà vì ngạc nhiên.
Tên truyện và tên tác giả gì mà lại nôm na đến ngớ ngẩn thế kia ở giữa cái
thời mà tất cả những nhà văn có tên tuổi nhiều, tên tuổi ít, hay đương hăm
hở, cay cú đi vào làng văn cho có tên tuổi đều phải tìm cho truyện của mình
những cái tên gí vào người đọc như điện vậy?
Những: Sự động cỡn của đàn bà... Khi chiếc yếm rơi xuống... Ngựa đã
thuần rồi mời ngài lên... Đời mưa gió... Trại Bồ tùng linh... Phấn hương...
Đẹp, vân vân...
A ha! Cái lò gạch cũ! Cái lò gạch cũ và tên tác giả lại là Nam Cao!
Cái lò gạch cũ được nhắc ra khỏi đống bản thảo vứt bạ ở nhà xuất bản
để rồi theo nhà văn đàn anh kia, lại nằm bạ ở một cái bàn cũng như thế. Lại
một sự tình cờ khác, Cái lò gạch cũ lại được chú ý. Cũng vì cái tên truyện
và tên tác giả. Nhưng lần này nó được đọc. Người đọc nó chỉ là một gã bạn
lấy tên của nhà văn. Gã chưa đọc xong hết tập thì sửng sốt vô cùng và đi
ngay các nơi thường nhóm họp làng văn mà tri hô lên những cái lạ, cái hay
trong tác phẩm. Nhà văn đàn anh lừng lẫy kia bổ chửng ra, vội vàng đòi lại
xem. Y ngốn xong bản thảo liền đề cho luôn ngay một cái tựa. Chưa đủ. Y
còn đổi cho một cái tên khác: Đôi lứa xứng đôi.
Thế là Đôi lứa xứng đôi được xuất bản. Nam Cao của chúng ta đón lấy
cuốn sách đầu tiên của mình mà bàng hoàng. Bàng hoàng vì truyện không
những được in mà lại còn được cả tiền nữa. Tôi không nhớ chắc, tiền tác
giả tập đó đâu như ba chục bạc thì phải.