tối. Anh đã vắt từ những quằn quại, xót xa của mình ra những dòng ánh
sáng thương yêu và tin tưởng để chứng minh sự sống nỗ lực của con người.
Bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, những con người nghèo khổ, chịu thương
chịu khó, vã mồ hôi ra làm nên thức ăn, áo mặc và lâu đài, đều vươn lên
ánh sáng. Họ càng xơ xác, cùng kiệt bao nhiêu thì những tình cảm tươi tốt
của họ càng rỏ thấm nhiều thêm mặt đất bấy nhiêu. Họ càng lấy thế làm
sung sướng. Hai bàn tay của họ mở ra, không có một mảy may tiền của, trừ
có mồ hôi, chai tay và bùn đất, trên đó một thứ quả chín ngọt nhất, một thứ
hoa tươi ngát nhất, nở ra... Hoa và quả của tâm hồn họ... Cái chín ngọt và
tươi ngát của bản chất họ.
Giữa những con người ấy, có những ngòi bút cùng chịu với họ những
sự giày đạp, tàn phá. Những ngòi bút ấy cất vẽ lên những gương mặt,
những tâm hồn của họ. Với những ngòi bút ấy, trái tim xấu xa của họ được
soi chiếu thật là sáng rõ. Nhờ những ngòi bút ấy, cuộc đời được thấy thật
thêm hình ảnh của họ. Cũng nhờ những ngòi bút ấy, họ nhìn trở vào thấy
trái tim mình rõ hơn, thấy hết, thấy đúng, mà cả họ và cuộc đời đều bàng
hoàng, sửng sốt, không ngờ được.
Nam Cao là một trong những ngòi bút kể trên. Những con người của
Nam Cao sáng tạo là những con người trong đám người kể trên. Những Chí
Phèo, Thị Nở, Lão Hạc và bà cụ già chỉ có cái tên chung là bà cái đĩ trong
truyện Một bữa no kia mà Nam Cao để lại cho cuộc sống, chính là hình ảnh
sinh động của một số nông dân ngoi ngóp trong cảnh nghèo đói. Họ đã bị
áp bức và bóc lột đến cùng kiệt, và cũng bị phá hoại đến cùng kiệt, thể chất
cũng như tinh thần, dưới cái chế độ thống trị của bọn cường hào phong
kiến.
Sự xuất hiện của những truyện ngắn của Nam Cao thật là đột ngột.
Dòng tiểu thuyết của văn học Việt Nam đã non yếu lại phải vượt lên
qua bao nhiêu sự khó khăn, phá hoại của chính sách ngu dân và chế độ