một trách nhiệm gì trước với những con người bị đè nén, bóc lột ở trong
đó.
Bên cạnh cuộc sống của những người nông dân cùng cực mà Nam Cao
tạo nên kia, còn có thêm những con người cũng túng thiếu, cũng bị giày vò,
quằn quại nhưng mà thuộc về từng lớp khác: đó là từng lớp tiểu tư sản. Đọc
xong những Trăng sáng, Đời thừa, Nước mắt, Mua nhà v.v..., ta cũng bị
ngạc nhiên. Đó là những cảnh đời. Ở ngay bên cạnh ta, những cảnh đời của
chính là từng lớp của nhiều chúng ta, mà đến nay nhờ đọc Nam Cao chúng
ta cũng mới thấy thật hơn, sâu sắc hơn. Chúng ta càng bàng hoàng đau xót
vì thấy bao nhiêu ước vọng, mê say, thương yêu, tha thiết nhất của những
con người họ, của chính chúng ta đã bị trĩu cánh xuống, giập nát. Cũng vì
nghèo khổ! Cũng vẫn chỉ vì nghèo khổ!
Sự nghèo khổ cũng chưa được cắt nghĩa và chưa được một luồng ánh
sáng của ý thức mới chiếu vào, nhưng cũng cạo vào đến xương trắng của
chúng ta. Mang những đau xót nhức nhối ấy, chúng ta cũng lại bị thôi thúc
vì nhiều ý nghĩ, nhiều câu hỏi. Tuy chúng ta không được Nam Cao trả lời
một cách đến nơi đến chốn, nhưng trước một thái độ thật là trung hậu, chân
thực như thái độ của Nam Cao, chúng ta càng đi với anh, càng quý mến tin
tưởng. Trong cái giai đoạn đen tối đè trĩu lấy con người lúc đó, chúng ta
càng thấy phải nhìn thẳng vào sự thực, và chỉ được nhìn thẳng vào sự thực,
đem hết lương tâm ra chịu trách nhiệm trước cuộc sống, tìm một con đường
giải phóng.
"Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền. Cái khổ làm héo
một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang
dậy lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh
trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng
đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội trong lòng Điền:
Điền chẳng đi đâu cả, Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao
khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời.