Mưa... dân quê thật hết trông mong! Cái cảnh mưa phùn, gió bấc, rét
cắt ruột, rụng chân, bùn lầy lấm láp, người sẵn bát ăn ngồi trong nhà trùm
chăn sưởi hỏa lò chỉ nghĩ đến cũng vội lắc đầu thì dân quê đã coi như
không bao đời nay, vậy giờ nếu có rét nữa, dân quê cũng xin chịu, miễn là
có mưa, có nước cho lúa thế mà cũng không được. Mưa... nước, dân quê
thật đã quên hẳn giời và cũng chẳng buồn nhắc đến sự may mắn này ở giời
thương giúp cho. Tất cả hơi sức và tâm trí họ chỉ còn biết có mình. Tự tay
mình phải sao có nước cho lúa? Tự tay mình phải sao cho lúa bật đòng,
phải có thóc?
Lúa phải sống! Mùa gặt phải có!
Đấy, chỉ có ngần ấy tiếng ngày đêm, thầm thì trong ruột gan dân quê.
Bao nhiêu của cải bòn vét của họ đã đem cả ra đồng rồi. Tôi muốn
nhắc đến những cánh đồng vùng Bắc liền với con đường số một mà nước lũ
đã tung cả đá cả sắt, cả gỗ của cầu cống đi, đã như phá bằng mìn nhiều
quãng đường tầu, đường cái toang ra hàng mấy trăm thước, và đã đổ xuống
ruộng những tảng đá, tảng sỏi, vùi lấp hàng mấy mẫu.
Lắm cánh đồng trở nên rất đỗi lạ lùng. Nó như là một bãi bể sau khi
đổ cây nước, hay như là một vùng đất đồi hoang. Gồ ghề, đống nhớn, đống
nhỏ, hố rộng, hố hẹp, cát đóng khô trắng, cây dại mọc lởm chởm, nhìn đây
khó ai có thể tưởng tượng cái cảnh lúa, đã mơn mởn, ngô khoai đã rập rờn,
và những váy nái thắt lưng hoa đào đã phất phơ những ngày mùa xuân mưa
lớt phớt, trống chèo thùng thùng đây kia...
Những tiếng kêu ca oán trách gần như không thấy có. Vợ bảo chồng,
cha bảo con, ông bảo cháu, chỉ vài nhời cộc lốc hoặc thở than với nhau,
hoặc gắt gỏng với nhau, hoặc an ủi thúc giục nhau trong một bữa cơm
chiều sau đó thì ở những thửa ruộng tàn phá nọ, đá sỏi bị cuốc lên đem trả
lại cho trên đường tầu, đường ôtô, lần cát chua bị đạp vỡ ra cho đất thịt lại