Cái thế giới ấy tôi có nên nói rằng đã có với một vùng quê đây kia
không. Buổi chiều hôm ấy tôi đi đã mỏi toan cố bước đến hàng nước nghỉ
thì anh D. bỗng nắm cánh tay tôi chỉ:
- Anh trông kìa.
Anh và tôi cùng đứng lại nhìn. Một con bé áo và quần mướp ra, đặt cái
gánh một bên là cái nồi đồng cờn miệng, một bên là cái chậu mẻ, xuống
ruộng. Nó múc nước ở chậu ra với cái gáo nhỉnh hơn cái chén, đổ từ từ
xuống những gốc hành vừa lấy tay vẩy từng giọt. Chúng tôi càng thấy tâm
trí bị đè nặng hơn khi quay ra đi thấy lác đác mấy giọt nước sánh ra qua
bao bờ ruộng ngoằn ngoèo đến một cái vũng nước vàng như gạch cua và
chỉ còn sâm sấp.
Lúc đó nhiều đám mây đen đã sầm lại, gió mát rào rào, một cơn mưa
may ra thì đến. Nhưng tất cả ở quãng đồng ấy, đàn bà, người già, người trẻ,
vẫn cứ gánh nồi, gánh chậu, tưới nước như thế. Và chính chiều hôm nay
dân Hà Nội đương rầm rập tản cư, những lũ lượt xe cộ chồng chất đồ đạc
và người đương đổ về các vùng quê. Ở khắp các ngả, vào tận những ngõ
hẻm trong làng, những tiếng "đánh phá", "tan hoang" cứ ran ran. Cùng với
những giọt mồ hôi nhễ nhại của những con ngựa người rạp mình lôi những
xe tay, xe bò ở ngoài đường, những giọt nước cũng nhờn nhụa ở các vũng,
bị gạn lên tưới cho những luống cày khát nước như những trẻ thơ khát sữa
vậy.
RUỘNG VÀNG
Có lẽ từ thuở có người và người bắt đầu cày cấy, những ngày xuân của
miền Bắc Việt Nam như thế là một. Trên cao giời cứ xanh ngút, chói lòa,
dưới đất, dường như tấm tôn nung, ao hồ khô nứt như lòng chảo cháy.
Nhiều làng đưa ma bố, mẹ, chồng, vợ, con chết hôm trước vì sốt định kỳ, vì
đau màng óc thì tinh sương mai, người ta đã lại phải ra đồng tát nước. Rồi