- Kìa! nín đi chứ! Thôi nín đi! Rồi nói chuyện với anh. Nghe anh, em!
Sau tôi được biết thằng bé này đã học đến lớp nhì, cái gói bên cạnh nó
chỉ có một chiếc áo cánh còn là một quyển mẹo chữ Pháp, một sách tập đọc
mà nó được phần thưởng sau niên học cuối cùng, và ba cuốn tiểu thuyết
quốc ngữ. Người quen ở phố Sinh Từ là bạn chơi với thày nó. Các con lớn
ông ta, người đi làm cho nhà buôn, người làm nhà in, người làm "sốp phơ",
nó hy vọng hoặc ông hoặc những người này sẽ tìm cho nó một việc nhỏ nào
đấy, miễn là có cơm ăn để nó chờ một nghề gì hợp với ý nó đến là nó theo
đuổi liền.
Thằng bé khi ráo nước mắt, mặt trông tươi hẳn lên với nước da đen
giòn và những cái nhìn lấp lánh, những nụ cười rực rỡ. Nó nhường như
quên tất cả mọi đau khổ và lo âu, hơn nữa, không còn biết một chút đau
khổ và lo âu.
Không ở với chú thím, tìm người quen để làm việc nuôi miệng mình
và chờ đợi một nghề ưa thích, những ước vọng ấy còn nhắc đi nhắc lại
nhiều lần nữa trong những trò chuyện giữa đứa bé và tôi. Những mong
muốn tha thiết và vui tươi. Minh ơi! Tôi lại phải nhờ đến cái kỷ niệm xưa
kia của tôi cũng bỏ nhà ra đi, nhưng tôi không dám cười thầm như mọi khi
dù nó đầy những khờ khạo, kệch cỡm. Và tôi cũng không thể cười được vì
thật lòng tôi lúc đó bùi ngùi.
Hà Nội, ngày tôi còn nhỏ, hễ nghe ai nói đến và hồi nhớ, tôi lại rạo rực
vì khao khát. Tôi đã lên đây một lần nhưng vào khoảng lên bảy, lên tám ấy,
đi kèm bên người bà nội lọm khọm động ra ngoài thì một bước một bước
xe, hỏi tôi còn được trông gì, biết những gì trong hai ngày mưa bão liên
miên? Tất cả những cái tôi có thể ghi nhớ là những con đường rộng và dài
thăm thẳm, nhà cửa và cây cối đồ sộ, um tùm khác thường, rồi đến những
cửa hàng san sát, nhìn vùn vụt qua một lần kính mờ nước của đoàn tầu gọi
là tầu điện, hễ dừng lại và chuyển bánh thì không nổi còi mà chỉ có những