nghe qua tôi nói. Họ không những thờ ơ mà còn tỏ vẻ ghê sợ và hoài nghi
tôi. Biết đâu đó không phải là một tấn kịch đã tập dượt của một thứ ăn mày,
một thứ kịch lường gạt?
Tất cả có bốn người cho tôi được sáu xu. Tôi toan đi chỗ khác, một
người vận quần áo xanh trong ga vẫy tôi lại. Y cũng hỏi tôi như mọi người.
Nhưng nghe tôi nói, y lắng tai và chau mày lại. Y nhìn tôi với đôi mắt sáng
làm tôi rợn cả người. Tôi đã định chào y để đi vì tôi sợ cái vẻ nghiêm trang
của y lắm.
- Không! em ở đây chờ anh! Tám giờ anh đổi kíp sẽ dẫn em về nhà.
Đây, em cầm lấy năm xu, ra hàng phở kia ăn. Đừng lo! đã có anh!
" Đừng lo! đã có anh". Câu nói đó trở lại vang vang rành mạch trong
tâm tưởng tôi lúc đó, trước thằng bé da đen giòn và mắt sáng nọ. Như trước
một màn ảnh, tôi lại thấy hiển hiện rõ ràng cái thân thể chắc chắn trong bộ
quần áo xanh của người trẻ tuổi làm tầu điện. Y cầm tay tôi, đi song song
với tôi trong ánh nắng chói lòa một xế trưa, giữa những nhộn nhịp của Hà
Nội. Chúng tôi ra ga.Y lấy vé cho tôi và đưa tôi lên tận chỗ ngồi. Y mua
cho tôi ba cặp bánh giò và bỏ thêm vào cái ví kết bằng giấy bìa một hào đôi
với cái vé.
Tầu đã dồn toa ình ình. Y lắc tay tôi và vỗ vai, nhìn sâu vào mắt tôi
với nụ cười sáng:
- Em về Nam nhé! Chịu khó ở nhà mà chờ mẹ về. Mẹ thế nào cũng về
với em và thế nào em cũng được sung sướng. Lớn lên, em muốn đi đâu tự
lập hãy đi. Nhưng dù đi đâu cũng vậy, em phải có một nghề, bất cứ nghề gì,
miễn là với nghề đó phải có sự chịu khó, sự ngay thẳng, giữ nhân cách
mình được cao quý.
- Bát Tràng rồi! Bát Tràng rồi!