Nhà kinh tế học Pareto đã phát hiện ra rằng của cải cũng được phân
phối một cách thiên lệch [như những quan sát của Juran về mất tổn thất chất
lượng]. Ta có thể tìm thấy những trường hợp tương tự – sự phân bố tội
phạm giữa những tội nhân, sự phân bố tai nạn giữa những qui trình tiềm ẩn
nguy cơ, v.v... Nguyên lý của Pareto về sự phân bố không đồng đều áp dụng
cho sự phân bố của cải và cho sự phân bố tổn thất chất lượng.
8
Không có nhà công nghiệp tai to mặt lớn nào ở Mỹ quan tâm đến những
lý thuyết của Juran. Năm 1953 ông được mời đến Nhật Bản để thuyết
giảng, và đã được nhiều người đón nhận ý tưởng của ông. Ông đã ở lại làm
việc với mấy tập đoàn của Nhật, làm biến chuyển giá trị và chất lượng
những hàng hóa tiêu dùng của họ. Mãi cho đến khi mối đe dọa của người
Nhật đối với nền công nghiệp Hoa Kỳ đã hiển hiện, thời gian sau năm 1970,
thì ở phương Tây người ta mới xem trọng Juran. Ông về nước để làm cho
nền công nghiệp Hoa Kỳ những gì ông đã làm cho người Nhật. Nguyên lý
80/20 chính là linh hồn của cuộc cách mạng chất lượng toàn cầu.
Các thập niên 1960-1990: những tiến bộ từ việc áp dụng Nguyên lý 80/20
IBM là một trong những tập đoàn đầu tiên và thành công nhất đã phát
hiện và đưa vào áp dụng Nguyên lý 80/20, một điều giúp giải thích tại sao
hầu hết các chuyên gia hệ thống máy tính được đào tạo ở hai thập niên 1960
và 1970 đều biết đến ý tưởng này.
Năm 1963, IBM phát hiện ra rằng chừng 80% thời gian của một máy
tính được dành để thực hiện chừng 20% mã điều hành. Công ty ngay lập tức
viết lại phần mềm điều hành để 20% mã điều hành sử dụng thường xuyên
nhất ấy dễ tiếp cận và thân thiện với người sử dụng nhất, qua đó làm cho
những chiếc máy tính IBM trở nên hiệu quả hơn và nhanh hơn những chiếc
máy tính của các công ty đối thủ cạnh tranh trong đa số những chương trình
ứng dụng.
Những tập đoàn chế tạo máy tính cá nhân (PC) và viết phần mềm sử
dụng cho chúng ở thế hệ kế tiếp, như Apple, Lotus, và Microsoft, còn sốt
sắng hơn trong việc áp dụng Nguyên lý 80/20 để làm cho những chiếc máy
tính của mình rẻ hơn và dễ sử dụng hơn cho một lớp người sử dụng mới,