Juran gọi là “số ít quan yếu” – trong khi những cái đa số – “số nhiều tào
lao” – lại đem lại rất ít năng suất hoặc có thể gây ra những tác động tiêu
cực. Nếu chúng ta quả có nhận ra sự khác biệt giữa “số ít quan yếu” và “số
nhiều tào lao” trong tất cả các bình diện của đời sống chúng ta, và nếu
chúng ta có làm một cái gì đó trước hiện tượng ấy thì chúng ta có thể nhân
rộng những gì chúng ta xem là quan trọng lên một giá trị gấp bội.
Nguyên lý 80/20 và thuyết hỗn độn
Lý thuyết xác suất cho ta biết rằng hầu như không thể có chuyện tất cả
các ứng dụng của Nguyên lý 80/20 đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, do một
thoáng cơ may nào đó. Chúng ta chỉ có thể giải thích nguyên lý này khi tìm
được những tầng ý nghĩa hoặc nguyên nhân sâu xa hơn còn nằm ẩn khuất
bên dưới.
Bản thân Pareto cũng đã từng vật lộn với vấn đề này, ông luôn cố áp
dụng một phương pháp luận nhất quán cho việc nghiên cứu xã hội. Ông đã
sục sạo để tìm cho ra “những lý thuyết có thể vẽ nên được bức tranh của
những kết quả từ kinh nghiệm hoặc quan sát”, những mẫu hình lặp đi lặp
lại, những quy luật xã hội, hoặc những “đồng dạng” có thể giải thích được
hành vi của cá nhân và xã hội.
Cách làm có tính xã hội học của Pareto không tìm ra được một chìa
khóa có sức thuyết phục. Ông qua đời đã lâu thì thuyết hỗn độn – vốn có
nhiều tương đồng rất lớn với Nguyên lý 80/20 và góp phần giải thích
Nguyên lý này – mới ra đời. Trong ba mươi năm cuối của thế kỷ XX đã
diễn ra một cuộc cách mạng về tư duy của các nhà khoa học về vũ trụ, làm
đảo lộn những tri thức thống lĩnh cả 350 năm trước đó. Tư tưởng đã từng
thống lĩnh ấy là những tư tưởng dựa trên máy móc và có tính duy lý, tự thân
đã là một bước tiến vĩ đại so với những quan điểm huyền bí và tùy tiện về
thế giới mà người ta đã từng tin trong thời Trung Cổ. Quan điểm cơ học đã
chuyển Thượng đế từ một thế lực không thể hiểu nổi và thất thường thành
một kỹ sư chế tạo đồng hồ thân thiện với người sử dụng hơn.