nghĩ và cảm thấy hằng ngày với sức khỏe thể lý và tâm thần.”3 Nói cách
khác, trong phạm vi cho phép, bạn có thể lựa chọn cách làm cho bản thân
mình trở nên hạnh phúc hay bất hạnh và thậm chí làm cho bản thân mình
khỏe mạnh hoặc không khỏe mạnh.
Điều này không có nghĩa là chúng ta nên loại bỏ nghiên cứu trước đây
về tầm quan trọng của những trải nghiệm thời thơ ấu (hoặc là những bất
hạnh sau này). Chúng ta đã thấy trong Phần Một rằng thuyết hỗn độn nêu
bật vấn đề “sự phụ thuộc nhạy cảm vào những điều kiện tiên khởi”. Điều
này có nghĩa là thời gian đầu trong đời sống của bất kỳ hiện tượng nào, rõ
ràng là những biến cố ngẫu nhiên và những nguyên nhân có vẻ nhỏ nhặt
đều có thể dẫn đến những khác biệt to lớn trong kết quả cuối cùng.
Một điều tương tự dường như cũng xảy ra trong thời thơ ấu của chúng ta,
tạo ra những niềm tin về bản thân chúng ta – rằng chúng ta được yêu
thương hoặc bị ghét bỏ, thông minh hoặc không thông minh, được đánh giá
cao hoặc có giá trị thấp, dám chấp nhận rủi ro hoặc chỉ biết chấp hành mệnh
lệnh của một quyền lực nào đó – để rồi sau đó chúng cứ bám theo ta suốt
đời. Niềm tin ban đầu, có thể không dựa trên một cơ sở khách quan nào cả,
rồi sẽ có được một cuộc sống riêng của nó và tự thân trở thành hiện thực.
Những sự kiện sau đó, như kết quả thi kém, bị tình phụ, không có được
nghề nghiệp mà chúng ta mong muốn, sự nghiệp chệch đường, bị sa thải,
sức khỏe giảm sút, có thể cuốn chúng ta khỏi quĩ đạo cuộc đời và củng cố
những cách nhìn tiêu cực về bản thân chúng ta.
Ngược dòng thời gian để tìm thấy hạnh phúc
Vậy, liệu có phải đây là một thế giới khắc nghiệt nơi mà nỗi bất hạnh là con
đường mà chúng ta phải đi qua? Tôi không cho là thế.
Nhà nhân văn học Pico of Mirandola (1463-93) đã chỉ ra rằng loài
người không hoàn toàn giống như loài thú.4 Tất cả các sinh vật khác đều có
bản chất có giới hạn mà chúng không thể thay đổi được. Con người được
ban tặng một bản chất không giới hạn và vì vậy con người có khả năng cải
tạo chính bản thân mình. Tất cả những sinh vật khác mang bản chất thụ
động; chỉ một mình con người có bản chất chủ động. Các loài vật khác
được tạo hóa sinh ra; còn chúng ta có khả năng “tạo hóa”.