Có lẽ lý do nổi bật nhất để xây dựng tổ chức học tập là hiện giờ chúng
ta bắt đầu hiểu được năng lực cần phải có trong những tổ chức như vậy.
Mất một thời gian dài, những nỗ lực xây dựng tổ chức học tập giống như
việc mò mẫm trong bóng tối cho đến khi các kỹ năng, các lĩnh vực kiến
thức và con đường phát triển của những tổ chức như vậy được khám phá.
Về cơ bản điều phân biệt tổ chức học tập và “tổ chức kiểm soát”
(controlling organizations) độc tài cổ điển là sự tinh thông về những
nguyên lý cơ bản. Đó là lý do “các nguyên lý của tổ chức học tập” trình bày
trong phần tiếp theo đây sẽ mang tính thiết yếu, vô cùng quan trọng.
NHỮNG NGUYÊN LÝ CỦA TỔ CHỨC HỌC TẬP
Vào một buổi sáng lạnh lẽo, không mây trong tháng 12 năm 1903, tại
Kitty Hawk, Bắc Carolina, chiếc máy bay mỏng manh của anh em Wilbur
và Orville Wright đã chứng minh rằng việc bay lượn bằng động cơ là khả
thi. Đó là phát minh ra máy bay, nhưng phải mất hơn 30 năm sau để các
phiên bản thương mại được đưa vào phục vụ rộng rãi.
Các kỹ sư cho rằng một ý tưởng mới được “phát minh” khi nó đã được
chứng minh là có thể hoạt động trong phòng thí nghiệm. Ý tưởng biến
thành một “cuộc cách tân” chỉ khi nó có thể được tái tạo chắc chắn trên một
quy mô có ý nghĩa, với chi phí thích hợp. Nếu ý tưởng đó đủ tầm quan
trọng, ví dụ như điện thoại, máy vi tính, hay máy bay, thì nó được gọi là
“cuộc cách tân cơ bản” và nó tạo ra một ngành mới hay biến đổi một ngành
hiện hữu. Theo những ý nghĩa đó, tổ chức học tập đã được phát minh,
nhưng chưa trở thành cuộc cách tân.
Trong kỹ thuật, khi một ý tưởng đi từ một phát minh đến một cuộc
cách tân, những “công nghệ thành phần” khác nhau cùng xuất hiện. Nổi lên
từ những sự phát triển rời rạc trong các lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt, các
thành phần đó từ từ hình thành một sự kết hợp đồng bộ của các kỹ thuật