Ngày nay, tôi tin là có năm công nghệ thành phần đang dần hội tụ để
đổi mới các tổ chức học tập. Qua sự phát triển từng phần, mỗi yếu tố sẽ
chứng minh tính thiết yếu với thành công của yếu tố khác. Mỗi yếu tố sẽ
đảm bảo một phương diện quan trọng trong việc xây dựng các tổ chức có
thể thật sự “học tập”, có thể không ngừng đẩy mạnh năng lực của chúng để
nhận ra khát vọng cao nhất của chúng:
Suy nghĩ hệ thống (Systems Thinking). Một đám mây tụ lại, bầu trời
tối sầm, lá cây bay lên cao, và chúng ta biết trời sắp mưa. Chúng ta cũng
biết cơn dông sẽ làm dòng nước ngầm chảy xa hàng dặm, và bầu trời sẽ lại
tươi sáng vào ngày mai. Tất cả những sự kiện đó không liên quan với nhau
về mặt thời gian và không gian, nhưng chúng lại cùng kết nối trong một
mẫu hình giống nhau. Mỗi sự kiện có một ảnh hưởng với những sự kiện
còn lại, và ảnh hưởng thường không lộ ra bên ngoài. Bạn chỉ có thể hiểu
được hệ thống mưa dông bằng cách suy ngẫm trên tổng thể chứ không phải
trên từng phần riêng lẻ của hiện tượng.
Kinh doanh và những nỗ lực khác của con người cũng là những hệ
thống. Chúng cũng bị giới hạn bởi những màng ren vô hình tạo bởi các
hành động tương quan, thường mất hàng năm để hoàn toàn thể hiện tác
động đến nhau. Vì tự chúng ta là một phần của màng ren đó, việc nhìn tổng
thể sự thay đổi càng khó gấp đôi. Thay vào đó, chúng ta có xu hướng tập
trung vào hình ảnh từng phần riêng lẻ của cả hệ thống, và tự hỏi tại sao vấn
đề sâu sắc nhất của chúng ta dường như không bao giờ có thể được giải
quyết. Suy nghĩ một cách có hệ thống là một khung khái niệm, một tập hợp
kiến thức và công cụ được phát triển trong 50 năm qua, để làm cho toàn bộ
hình mẫu rõ ràng hơn, và giúp chúng ta biết cách thay đổi chúng hiệu quả.
Mặc dù những công cụ còn mới, thế giới quan bên trong (của suy nghĩ
hệ thống - ND) là vô cùng trực giác; nhưng những thử nghiệm với trẻ em
cho thấy chúng học cách suy nghĩ hệ thống rất nhanh.